Quốc tế

Đàm phán về hòa bình Syria: Không mấy lạc quan

08:14, 25/01/2016 (GMT+7)

Đàm phán về vấn đề hòa bình ở Syria dự kiến được bắt đầu vào hôm nay (25-1) ở Geneva (Thụy Sĩ) nhưng không có dấu hiệu chắc chắn cho thấy sự kiện này sẽ diễn ra đúng kế hoạch, một phần do những tranh cãi xung quanh thành phần tham gia nghị sự.

Thị trấn Maaret al-Numan thuộc tỉnh Idlib của Syria, khu vực do phiến quân kiểm soát, sau một trận không kích của Nga. 								                        Ảnh: Reuters
Thị trấn Maaret al-Numan thuộc tỉnh Idlib của Syria, khu vực do phiến quân kiểm soát, sau một trận không kích của Nga. Ảnh: Reuters

Theo AP, đàm phán về vấn đề hòa bình ở Syria có thể bị hoãn. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bày tỏ tin tưởng đàm phán sẽ được thúc đẩy đúng kế hoạch. Phát biểu với báo giới sau cuộc hội đàm với các nước thành viên Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) tại Saudi Arabia, ông Kerry cho rằng, với sáng kiến tốt trong một hoặc vài ngày tới, các cuộc đàm phán có thể diễn ra và đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan De Mistura sẽ triệu tập các bên cho cuộc đàm phán gián tiếp.

Ông Mistura cũng thừa nhận khả năng có thể lùi thời gian đàm phán, đồng thời muốn phương Tây gia tăng sức ép để các bên liên quan chịu ngồi vào bàn thương lượng.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đang thúc giục các nước thuộc nhóm hỗ trợ quốc tế cho Syria (ISSG) nhanh chóng chốt danh sách thành phần phe đối lập tham gia đàm phán với chính phủ Syria. Nỗ lực kiến tạo hòa bình cho Syria gặp nhiều thách thức, trong đó có sự bất đồng về tương lai của Tổng thống Bashar al-Assad và mối quan hệ đang ngày càng xuống dốc giữa Saudi Arabia với Iran.

Căng thẳng giữa Riyadh và Tehran, hai đối thủ trong khu vực, leo thang trong tháng 1 này sau vụ xử tử giáo sĩ Hồi giáo người Shi’ite. Ngoại trưởng Kerry nhận biết rõ và cũng lo ngại vấn đề này. Ông nhấn mạnh, không ai có thể ảo tưởng rằng không có trở ngại trong đàm phán để tìm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.

“Nếu đàm phán dễ dàng thì đã không kéo dài như vậy”, ông Kerry nói. Trong khi đó, Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir cho biết, nước ông đang phối hợp với Mỹ để tìm cách loại bỏ quyền lực của Tổng thống Assad. Song, Saudi Arabia vẫn kiên quyết từ chối “bắt tay” với Iran và cho rằng Tehran vẫn là nước bảo trợ chính cho khủng bố.

Song, theo Ngoại trưởng Kerry, việc dỡ bỏ trừng phạt đối với Iran sẽ là một cơ hội để hợp tác với Tehran giải quyết một số lo ngại mà Saudi Arabia và những nước khác đang đối mặt. Tại Riyadh, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ đã gặp gỡ đại diện 6 nước GCC, bao gồm: Saudi Arabia, Bahrain, Kuwait, Qatar, Oman và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất.

Về phía Syria, theo một quan chức cấp cao thuộc đảng Baath của Tổng thống Assad, chính phủ sẽ không có bất kỳ sự nhượng bộ mới nào trong các cuộc đàm phán hòa bình. Phe đối lập Syria không muốn ông Assad có vai trò đối với tương lai của quốc gia này, ngay cả trong giai đoạn chuyển tiếp chính trị. Song, Tổng thống Assad - với nền tảng gia đình đã nắm quyền ở Syria trong hơn 4 thập niên - khẳng định ông sẽ chỉ từ chức nếu diễn ra cuộc bỏ phiếu.

Nga, Mỹ và ISSG không tham gia trực tiếp đàm phán mà chỉ hỗ trợ các bên Syria để đạt được thỏa thuận. Song, Nga và Mỹ được cho là sẵn sàng có động thái nhượng bộ để tháo gỡ tình hình ở Syria. Có thể Nga sẽ tham dự các cuộc đàm phán của nhóm cực đoan Jaish al-Islam (Quân đội Hồi giáo), lực lượng vốn được Saudi Arabia hậu thuẫn.

Còn Mỹ có thể cho phép các nhân vật thân Nga hiện diện tại đàm phán ở Geneva, như cựu Phó Thủ tướng Syria Qadri Jamil, đại diện tổ chức đối lập Mặt trận Bình dân vì sự thay đổi và giải phóng và lãnh đạo Đảng Liên minh Dân chủ người Kurd Salih Muslim. Tuy nhiên, sự nhượng bộ này cũng chưa hẳn làm nên thành công của đàm phán.

Trong lúc này, phe đối lập ở Syria đổ lỗi rằng, nếu đàm phán thất bại là do lỗi của Nga và ông Assad chứ không phải ai khác. Phe đối lập muốn phải có các biện pháp thiện chí trước khi ngồi vào bàn nghị sự, chẳng hạn như chính phủ Syria chấm dứt sự bao vây và Nga ngừng chiến dịch không kích.

VĨNH AN

.