Quốc tế

Đèn đường chống sốt xuất huyết

15:05, 10/01/2016 (GMT+7)

Các nhà nghiên cứu Malaysia đã phát minh ra loại đèn đường có khả năng diệt muỗi nhằm chống dịch sốt xuất huyết.

Chiếc đèn khá lạ mắt để vừa chiếu sáng vừa bắt muỗi.
Chiếc đèn khá lạ mắt để vừa chiếu sáng vừa bắt muỗi.

Chiếc đèn LED này được các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Malaya của Malaysia phát triển. Thuận lợi đầu tiên của loại đèn đường này là sử dụng năng lượng mặt trời và gió nên có thể sử dụng ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng lụt lội, vùng sâu vùng xa mà mạng lưới điện quốc gia chưa thể kéo tới.

Chiếc đèn này đương nhiên thực hiện chức năng đầu tiên là chiếu sáng đường phố nhưng công dụng thứ hai mới là cốt lõi, đó là bẫy muỗi nhờ nó sản xuất ra một lượng nhỏ carbon dioxide.

Người đứng đầu nhóm nghiên cứu là Chong Wen Tong cho biết mùi CO2 được sản xuất nhờ sự kết hợp giữa ánh sáng cực tím và titanium dioxide. Cái bẫy muỗi trên chiếc đèn này tận dụng khả năng cảm giác của muỗi.

Sự kết hợp này tạo ra mùi giống với con người khiến cho muỗi không thể nào cưỡng lại nổi nên sẽ bay tới. Muỗi bay vào bẫy bằng những cửa sổ ở phía trên của đèn và bị một quạt hút mạnh xuống lưới thu nằm ở phía dưới. Một khi chúng đã bị hút xuống lưới thu thì không thể bay ra ngoài. Lượng CO2 thấp cũng phù hợp với xu thế giảm thiểu lượng khí thải độc hại ra môi trường.

Chiếc đèn này được phát triển chủ yếu để chống lại sốt xuất huyết vốn đã tăng gấp 30 lần so với 50 năm trước. Dịch này phát triển chủ yếu ở các nước châu Á – Thái Bình Dương, nơi có tới 1,8 tỷ người có nguy cơ mắc bệnh.

Malaysia vừa trải qua đợt dịch sốt xuất huyết trong năm 2015 làm hơn 282 người chết; năm 2014 có 162 người chết vì căn bệnh này. 8 chiếc đèn đầu tiên đã được lắp trong khuôn viên Trường Đại học Malaya và những nơi khác nữa ở thủ đô Kuala Lumpur như là chương trình thí điểm.

Đèn LED mắc tiền hơn so với đèn thường nhưng xét toàn bộ yếu tố sức khỏe, kinh tế thì rất đáng để đầu tư. Loại đèn này không phụ thuộc vào nguồn điện là ưu điểm có thể lắp đặt ở bất cứ nơi nào. Giá điện ở Malaysia khá thấp nên chỉ cần 6 năm là có thể hoàn vốn cho 1 bóng đèn! Chưa kể ở thành thị còn tiết giảm rất nhiều chi phí như đào đường, bảo trì, dây điện, tạo cảnh quan…

Pin, dây điện và bộ điều khiển được thiết kế nằm ở bên trên của đèn nên có thể hoạt động bình thường ngay khu vực lụt lội. Các nhà nghiên cứu này cho biết phiên bản thương mại đầu tiên có thể sẽ được tung ra thị trường trong thời gian ngắn tới. Có lẽ đó là sản phẩm được nhiều nơi chờ đón nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết.

ANH THƯ (Theo Guardian, Um.edu.my)

.