Quốc tế
Cuộc đối đầu chưa có hồi kết
Cuộc đối đầu giữa Saudi Arabia và Iran đã nhanh chóng leo thang đến mức khó kiểm soát. Theo đó, tình hình Trung Đông càng thêm rối rắm và bạo lực giáo phái có thể gia tăng ở khu vực “chảo lửa” này.
Người Iran biểu tình phản đối việc Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr. Ảnh: AP |
Sau khi cắt đứt quan hệ với Iran, Saudi Arabia có thể tiếp tục thực hiện các giải pháp chống lại nước Cộng hòa Hồi giáo này. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đã cảnh báo như vậy trong lúc cả hai nước đang liên tiếp có những đòn trả đũa lẫn nhau.
Tại buổi họp báo ở thủ đô Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sau cuộc họp bất thường của các ngoại trưởng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Ngoại trưởng Jubeir cho rằng, sự leo thang trong quan hệ giữa nước ông với Iran xuất phát từ Tehran, chứ không từ Riyadh hay GCC.
“Chúng tôi đang đánh giá những động thái của Iran và có các bước để chống lại… Mọi việc sẽ rõ ràng hơn trong tương lai gần”, ông Jubeir nói. Nhà ngoại giao này đòi Iran cư xử như một nước văn minh, có trách nhiệm.
“Nếu là một nhà nước, cần hành động như một nhà nước có trách nhiệm. Nếu không thì sẽ bị cô lập hơn nữa”, Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh. GCC với sự tham gia của Saudi Arabia, Bahrain, Qatar, Oman, Kuwait và UAE cũng đã chỉ trích những gì mà họ gọi là “sự can thiệp của Iran vào công việc nội bộ của Saudi Arabia và khu vực”.
Khủng hoảng giữa hai nhà xuất khẩu dầu mỏ lớn, cũng là hai quốc gia chủ chốt của hai dòng Hồi giáo Sunni và Shi’ite ở khu vực, được khơi mào khi Saudi Arabia tử hình giáo sĩ Nimr al-Nimr vào ngày 2-1, nhanh chóng làm dấy lên phản ứng của người Shi’ite trên khắp Trung Đông.
Vụ việc chẳng khác gì đổ thêm dầu vào lửa, làm bùng phát mâu thuẫn vốn âm ỉ giữa hai cộng đồng Sunni và Shi’ite.
Tại Iran, những người biểu tình đã tấn công Đại sứ quán Saudi Arabia, dẫn đến việc Riyadh cắt đứt quan hệ với Tehran. Đáp lại, Tehran không những cắt toàn bộ quan hệ thương mại với Riyadh mà còn cấm những người hành hương đến Mecca.
Iran còn đề nghị Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, mà Tehran là thành viên, cũng nhóm họp bất thường. Tehran cho rằng, khủng hoảng ngoại giao lần này do chính Saudi Arabia gây ra. Thậm chí, trong một bức thư gửi Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc “những hành động khiêu khích của Saudi Arabia” chống lại Tehran.
Lâu nay, Saudi Arabia và Iran chẳng ưa gì nhau, hơn nữa còn thường xuyên đối đầu trong hàng loạt vấn đề ở Trung Đông. Trong cuộc khủng hoảng ở Syria, Saudi Arabia ủng hộ lực lượng nổi dậy, còn Iran ủng hộ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad.
Trong cuộc xung đột ở Yemen, Saudi Arabia dẫn đầu liên quân Arab chống lại phong trào Hồi giáo Houthi dòng Shi’ite vốn được Iran tiếp tay. Iran tố Saudi Arabia ủng hộ các nhóm khủng bố theo dòng Sunni, điển hình là tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Còn Riyadh tố Tehran tài trợ cho các tổ chức Hồi giáo Shi’ite cực đoan như phong trào Houthi hay Hezbollah…
Vì vậy, vụ tử hình giáo sĩ Nimr là giọt nước làm tràn ly, làm mối quan hệ “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” giữa hai “ông lớn” ở Trung Đông có dịp sống lại, đồng thời đẩy khu vực này vào vòng xoáy bạo lực. Theo đó, cuộc đàm phán về khủng hoảng Syria dự kiến diễn ra vào cuối tháng 1 này ở Geneva (Thụy Sĩ) có thể bị hoãn.
Nga đã đề nghị làm trung gian hòa giải. Trong khi đó, Mỹ chỉ kêu gọi cả hai nước kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán. Giới quan sát chờ đợi Mỹ sẽ can thiệp như thế nào vào “chiến tranh lạnh” giữa Saudi Arabia với Iran, bởi Riyadh là đồng minh của Washington. Theo các nhà phân tích, Tổng thống Barack Obama đang gặp khó khi vừa muốn bảo vệ đồng minh lâu năm, lại vừa muốn tiếp tục cải thiện quan hệ với Iran.
VĨNH AN