.

"Quả táo" đối đầu với FBI

.

Tập đoàn Apple ngày 25-2 đã nộp đơn ra tòa, yêu cầu bác bỏ mệnh lệnh trước đó của Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) trong việc mở khóa phần mềm chiếc điện thoại iPhone do Syed Rizwan Farook, một trong những hung thủ vụ xả súng ở San Bernardino hồi tháng 12 năm ngoái sử dụng.

Giám đốc FBI James Comey thừa nhận vụ mở khóa iPhone của hung thủ xả súng là vụ việc khó khăn nhất ông phải đối mặt trong thời gian tại nhiệm. 								   Ảnh: AP
Giám đốc FBI James Comey thừa nhận vụ mở khóa iPhone của hung thủ xả súng là vụ việc khó khăn nhất ông phải đối mặt trong thời gian tại nhiệm. Ảnh: AP

Cuộc tranh cãi giữa Apple và FBI được khơi mào vào tuần trước khi FBI yêu cầu tập đoàn “Quả táo” hỗ trợ họ mở khóa chiếc iPhone do Syed Rizwan Farook dùng. Tuy nhiên, đến nay, Apple vẫn từ chối mở khóa.

Theo BBC, trong đơn khiếu nại, Apple cho rằng, các quan chức hành pháp Mỹ đang đòi hỏi “những quyền lực nguy hiểm” và động thái này đã xâm phạm quyền của họ được quy định theo Hiến pháp nước Mỹ.

“Tìm kiếm một quyền lực nguy hiểm”

Cả FBI lẫn Nhà Trắng đều nói, yêu cầu mở khóa điện thoại chỉ áp dụng với duy nhất trường hợp chiếc iPhone của hung thủ. Tuy nhiên, Apple phản pháo rằng, phần mềm cần để thỏa mãn yêu cầu của FBI “đơn giản là không tồn tại”. Theo đó, Apple cho biết, để tuân thủ mệnh lệnh của FBI, họ sẽ phải viết một phiên bản phần mềm hệ điều hành mới cho iPhone có “cửa sau” để tiếp cận phần dữ liệu đã được mã hóa của thiết bị.

Cũng theo Apple, không tòa án nào có quyền ép họ làm điều đó. Theo họ, chưa từng có tòa án nào trước đây buộc một công ty phải hạ thấp độ bảo mật các sản phẩm của họ để có thể tiếp cận các dữ liệu thông tin cá nhân theo cách đó. Đơn đệ trình lên tòa án của Apple viết: “Vụ việc này cho thấy Bộ Tư pháp và FBI đã thông qua tòa án để tìm kiếm một quyền lực nguy hiểm mà cả Quốc hội lẫn nhân dân Mỹ đều từ chối”.

Trong vụ việc này, động cơ của FBI rõ ràng là chống khủng bố, đối tượng cụ thể là Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hiếm ai phản đối động cơ đó, ngay cả ông chủ Apple là Tim Cook cũng thừa nhận lý do thuyết phục về mặt đạo đức trong việc mở khóa chiếc iPhone của hung thủ.

Tuy nhiên, nếu có một điều gì đó mà người dân Mỹ còn lo lắng hơn cả những kẻ khủng bố thì đó chính là những đụng chạm gây tổn hại tới những quyền của họ được quy định trong Hiến pháp.

Với động thái Apple kiện FBI, tập đoàn này đã điểm đúng “huyệt đạo” được đông đảo người Mỹ quan tâm, đó là tự do ngôn luận. Apple nhấn mạnh: Phần mềm mà hãng này viết ra chính là tiếng nói của công ty, là sự biểu đạt của họ. Do đó, lập luận của Apple trong vụ việc là, nếu buộc họ phải viết một phần mềm khác và tạo ra một phiên bản “GovtOS”, một ứng dụng chạy trên nền tảng iOS, cũng có nghĩa buộc họ phải viết một phần mềm mà họ không chấp nhận.

Ngày 25-2, Giám đốc FBI James Comey cho biết, cuộc tranh cãi giữa chính phủ và Apple trong vụ giải mã chiếc iPhone là “vụ việc khó khăn nhất” mà ông từng đối mặt trong suốt thời gian tại nhiệm. Điều trần trước Quốc hội, ông Comey nói: “Đây là vấn đề hóc búa nhất tôi từng gặp trong chính phủ và nó đòi hỏi sự thương thuyết cũng như trao đổi”.

“Phần mềm nguy hiểm ngang với bệnh ung thư”

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với đài ABC ngày 24-2, ông chủ Aplle, Tim Cook, nói rằng FBI đang yêu cầu họ viết một “phần mềm nguy hiểm ngang với bệnh ung thư”. “Cách duy nhất để lấy được thông tin, ít nhất là tại thời điểm này, cách duy nhất chúng tôi biết là phải viết một phần mềm mà chúng tôi xem mức độ nguy hiểm ngang với bệnh ung thư. Chúng tôi nghĩ việc viết ra nó là điều tệ hại. Chúng tôi sẽ không bao giờ viết nó. Chúng tôi chưa bao giờ viết nó - và đó là vấn đề rất nguy hiểm ở đây. Chúng tôi tin đó là một hệ điều hành rất nguy hiểm”, ông Cook nói.

Năm 1999, một tòa án ở Mỹ xử một vụ việc liên quan phần mềm máy tính đã phán quyết rằng, phần mềm máy tính được xem như sự biểu đạt lời nói, tức là ngôn luận. Do đó, Apple cho rằng, nếu FBI bắt tập đoàn này viết một phần mềm mới, tức là cơ quan hành pháp đang vi phạm Hiến pháp.

Ngày 1-3 tới, luật sư đại diện cho Apple là Bruce Sewell sẽ tham gia điều trần trước Quốc hội Mỹ về vụ việc này.

Trong khi đó, các lãnh đạo công nghệ, bao gồm cả lãnh đạo của tập đoàn Google và các khách hàng của Apple bày tỏ quan điểm ủng hộ, ca ngợi công ty này vì đã dám phản đối mệnh lệnh của FBI. Những người ủng hộ Apple đã tuần hành trước các gian hàng của công ty để biểu thị sự đồng thuận của họ về phản ứng của Apple.

Song, Bộ Tư pháp Mỹ nhận định rằng, việc Apple phản ứng gay gắt “thái quá” cho thấy động cơ của họ chỉ là muốn “chơi trội” và nhân vụ việc này để tranh thủ tiếp thị, quảng bá cho hình ảnh của “Quả táo” mà thôi.

TRẦN ĐẮC LUÂN

;
.
.
.
.
.