Quốc tế
Trung Quốc mất tự tin với đồng Nhân dân tệ
Khi nền kinh tế Trung Quốc có những dấu hiệu chệch choạc, nhiều đại gia trong nước đang tìm cách tuồn được nhiều nhất và nhanh nhất có thể những khoản tiền lớn ra nước ngoài vì lo sợ tài sản bị “bốc hơi” theo đà lao dốc của đồng nội tệ.
Các nhà đầu tư Trung Quốc thất vọng khi sắc đỏ ngập tràn trên sàn giao dịch chứng khoán. Ảnh: Imaginechina/Corbis |
Theo báo New York Times, để né tránh các chính sách kiểm soát tiền tệ của chính phủ, những gia đình giàu có Trung Quốc đang nhờ bạn bè, người thân mang giúp họ mỗi người 50.000 USD ra nước ngoài, số tiền tối đa mỗi người dân được phép mang khỏi biên giới mỗi năm, theo pháp luật Trung Quốc quy định. Với một nhóm khoảng 100 người, khoản tiền “tuồn” ra nước ngoài sẽ là 5 triệu USD.
Thủ đoạn này được đặt tên là Smurfing, theo tên của các nhân vật hoạt hình nhỏ bé màu xanh và là một phần trong phong trào thoái vốn ồ ạt đang khiến dư luận nghi ngại về những viễn cảnh của nền kinh tế Trung Quốc cũng như tình thế lao đao của các thị trường toàn cầu. Trong năm qua, các cá nhân và doanh nghiệp đã rút vốn khỏi Trung Quốc gần 1.000 tỷ USD.
Tìm mọi cách thoái vốn
Năm ngoái, các nhân viên hải quan Trung Quốc bắt giữ một phụ nữ cố ý rời đại lục với 250.000 USD được nhét vào ngực, đùi và giày khi làm thủ tục xuất cảnh. Nếu chính phủ không thể ngăn cản làn sóng người dân ồ ạt tìm kiếm các “cửa thoát” tài chính, viễn cảnh nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đen tối.
Các đợt thoái vốn ồ ạt là đòn gây bất ổn với nền kinh tế đang phát triển chậm của Trung Quốc, làm xói mòn niềm tin và tổn thương hệ thống ngân hàng nước này vốn đang phải đương đầu với hệ quả từ một giai đoạn cho vay quá đà kéo dài hàng thập kỷ.
Việc người dân ồ ạt rút vốn khỏi thị trường Trung Quốc cũng gây áp lực đáng kể với đồng Nhân dân tệ (NDT). Chính phủ nước này đang cố ngăn chặn cú rơi tự do của đồng nội tệ bằng cách “bơm” những khoản tiền khổng lồ vào thị trường. Tuy nhiên, sự giảm sâu của các khoản dự trữ ngoại hối có thể sẽ lại khiến việc thoái vốn tiếp tục lan rộng hơn và tạo thêm bất ổn trong nhiều thị trường.
Trung Quốc cũng đang cố gắng kìm hãm làn sóng thoái vốn khỏi đại lục bằng cách siết chặt hơn kiểm soát của họ trong các mối liên hệ giữa nước này và hệ thống tài chính toàn cầu. Chẳng hạn như việc chính phủ Trung Quốc bắt đầu cấm người dân sử dụng thẻ ngân hàng để mua các dịch vụ bảo hiểm nhân thọ ở nước ngoài. Những động thái này có tính ứng phó thỏa hiệp trong một giai đoạn nhưng tạo ra mối quan ngại về việc chính phủ Trung Quốc đang kéo lùi những nỗ lực cải cách mà họ cần triển khai để duy trì sự phát triển trong vài thập niên tiếp theo.
Chuyên gia kinh tế học tại Autonous Research, Charlene Chu, cho rằng đồng nội tệ đã trở thành một nguy cơ rất gần đối với sự ổn định tài chính của Trung Quốc.
Những “luồng gió ngược”
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc thu hút rất nhiều vốn đầu tư thế giới khi nền kinh tế nước này có tốc độ phát triển thường niên ở mức 2 con số. Nhưng nay, khi kinh tế phát triển chậm lại, Trung Quốc cũng nới lỏng hơn trong việc kiểm soát tài chính.
Sáng lập viên của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Trung Quốc Shaun Rein nhận định: “Các công ty không muốn đồng NDT và các cá nhân cũng không muốn đồng NDT nữa. Đồng NDT là một sự đặt cược chắn chắn về lâu dài, nhưng bây giờ thì không, rất nhiều người muốn rút vốn”.
Kiểm soát tình huống này tỏ ra là vấn đề phức tạp với chính phủ Trung Quốc. Tháng 8 năm ngoái, Trung Quốc đột ngột hạ giá đồng NDT tới 4% như một phần trong chiến lược thay đổi nhắm tới cách tiếp cận có định hướng thị trường hơn và hỗ trợ xuất khẩu. Nhưng động thái bất ngờ đó đã châm ngòi cho những cuộc sụp đổ trên thị trường chứng khoán.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng lèo lái để hạ giá đồng NDT xuống lặng lẽ hơn với việc giảm tiếp 2,8% giá trị đồng tiền này vào đầu tháng 1-2016. Nhưng ngay cả vậy thì động thái phá giá lặng lẽ đó vẫn dẫn tới một cuộc bán đổ bán tháo cổ phiếu khi giới đầu tư hoang mang, lo ngại về nền kinh tế Trung Quốc.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đang nỗ lực chống lại áp lực suy thoái bằng cách mua vào một số lượng lớn đồng NDT. Để làm điều đó, họ đã bán đi USD trong kho dự trữ ngoại hối. Tháng 12 năm ngoái, lượng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc giảm 108 tỷ USD. Tới tháng 1-2016, nó tiếp tục mất thêm 99 tỷ USD và chỉ còn 3.230 tỷ USD. 1,5 năm trước đó, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc là 4.000 tỷ USD.
Dẫu thế, đồng NDT vẫn đang phải đối mặt với những “luồng gió ngược”. Chính phủ Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế, điều này khiến những người giữ tiền tiết kiệm không còn mặn mà với việc giữ tiền của họ trong nước. Lợi nhuận doanh nghiệp giảm vì Trung Quốc có quá nhiều nhà máy thép, nhà máy ô-tô tồn đọng hàng và các khu chung cư “ma” không bán được. Do đó, giới đầu tư buộc phải xoay trở tìm nguồn lợi từ nơi khác.
Ronald Wan, nhà quản lý quỹ Hong Kong có quan hệ với nhiều doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc đại lục cho rằng, tâm lý bi quan đang ngày càng phổ biến. Ông cho biết: “Trong số những công ty mà tôi có liên lạc, tất cả đều có ý định muốn rút vốn khỏi Trung Quốc”.
TRẦN ĐẮC LUÂN