Quốc tế
Khép lại quá khứ, hướng tới tương lai
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có bài phát biểu xúc động về cuộc chiến tranh ở Việt Nam khi ông cho rằng, cuộc chiến này cho thấy một bài học về việc khép lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Ông John Kerry đã hai lần trở lại Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ. Trong ảnh: Lần trở lại gần đây nhất vào tháng 8-2015, ông Kerry đã đến chào Chủ tịch nước Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Ảnh: VOV |
Hội thảo về chiến tranh ở Việt Nam được tổ chức từ ngày 27-4 (sáng 28-4, giờ Việt Nam) và kéo dài 3 ngày tại Thư viện Tổng thống Lyndon Baines Johnson, thành phố Austin, thủ phủ bang Texas, nhằm tìm hiểu về những bài học cũng như di sản của cuộc chiến tranh. Hội thảo được cho là một cách để người Mỹ nhìn lại lịch sử và hướng tới tương lai.
Sự kiện này diễn ra đúng thời điểm Việt Nam kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2016) và trước khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam vào cuối tháng 5 tới. Gần 1.000 người, trong đó có các cựu chiến binh, chính khách, nhà báo từng tham gia cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như các học giả nghiên cứu về cuộc chiến này tham dự hội thảo.
TTXVN cho biết, phát biểu tại hội thảo, Ngoại trưởng Kerry chỉ rõ bài học quan trọng nhất mà nước Mỹ cần rút ra từ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh ở Việt Nam là khi đánh giá về một nước, cần nhìn nhận qua lăng kính của người dân ở chính nước đó. Ông ca ngợi “sự cởi mở phi thường” của nhân dân Việt Nam khi vượt qua sự thù hận để mở rộng cửa cho phép người Mỹ trở lại tìm kiếm binh lính Mỹ bị chết hoặc mất tích trong chiến tranh. Theo ông, người dân Việt Nam muốn gác lại quá khứ để hướng tới tương lai. Với ông Kerry cũng như nhiều cựu binh Mỹ khác, quá trình hàn gắn và bình thường hóa quan hệ sau chiến tranh không phải là lãng quên vì lãng quên có nghĩa là ngừng học hỏi.
Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, số lượng du khách Mỹ tới Việt Nam tăng từ 60.000 lên 500.000 người, kim ngạch thương mại song phương tăng từ 400 triệu USD lên 45 tỷ USD, số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ tăng từ 800 lên gần 19.000 người.
Ông thừa nhận rằng, mặc dù vẫn tồn tại những bất đồng nhưng hai nước đều đang cố gắng vượt qua và tôn trọng thể chế chính trị của nhau. Việt Nam và Mỹ đang tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là các vấn đề an ninh, quan hệ giữa quân đội hai nước ngày càng được mở rộng. Hai nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chiếm hơn 40% GDP toàn cầu, hợp tác chặt chẽ trong vấn đề sông Mekong, Trường Đại học Fulbright sẽ được mở tại thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm nay...
Là một quân nhân, ông Kerry từng được phía Mỹ trao nhiều huân chương khi phục vụ trong lực lượng hải quân Mỹ trong chiến tranh ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi rời quân ngũ, ông là người phản chiến mạnh mẽ, dẫn đến làn sóng biểu tình rầm rộ tại Mỹ phản đối chiến tranh ở Việt Nam vào năm 1971.
Trong lần thứ hai trở lại Việt Nam trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 8-2015, khi tham dự hội thảo “Thúc đẩy thịnh vượng: 20 năm hợp tác phát triển Việt Nam - Mỹ”, ông Kerry nói: “Chúng ta ở đây để kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ. Chúng ta có sức mạnh vượt qua những khác biệt, thay thế sự nghi ngờ bằng lòng tin và sự tôn trọng. Chúng ta đã chứng minh được rằng, cựu thù có thể trở thành đối tác, thậm chí ngay trong thế giới phức tạp ngày nay. Đó cũng là bài học sâu sắc mà cả thế giới có thể nhìn vào”. Ông Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama thăm Việt Nam vào tháng 5 tới.
Cựu Ngoại trưởng, cựu cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Henry Kissinger là nhân vật gây nhiều tranh cãi với vai trò cố vấn cho vài đời Tổng thống Mỹ trong suốt cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng có mặt tại hội thảo. Vị cựu Ngoại trưởng 93 tuổi này không thừa nhận bất cứ quyết định sai lầm nào liên quan tới cuộc chiến nhưng thừa nhận rằng, nước Mỹ đã thất bại.
Dự kiến ngày 28-4 (sáng 29-4, giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội thảo.
B.T tổng hợp