Quốc tế

Châu Á "gánh" tăng trưởng cho cả thế giới

06:34, 08/05/2016 (GMT+7)

Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) là Changyong Rhee đưa ra nhận định: Kinh tế châu Á bị tác động từ sự hồi phục chậm của kinh tế toàn cầu, sự tái cân bằng liên tục và cần thiết ở Trung Quốc nhưng vẫn đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm 2016 này.

Nhu cầu tiêu dùng duy trì ở mức cao xuyên suốt cả khu vực, thu nhập thực tế tăng, nhập khẩu hàng hóa và chính sách kinh tế vĩ mô đạt hiệu quả cao. Chính vì thế, châu Á – Thái Bình Dương được dự báo tăng trưởng 5,3% (năm ngoái là 5,4%) trong năm nay, tức gần 2/3 của toàn thế giới.

Trung Quốc hướng tới tiêu dùng thay vì chú trọng sản xuất.
Trung Quốc hướng tới tiêu dùng thay vì chú trọng sản xuất.

Trong số các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương thì Ấn Độ là nước có mức độ tăng trưởng mạnh nhất và nhất của cả thế giới với 7,5% do hưởng lợi từ giá dầu giảm xuống, con số này cao hơn mức 7,3% của năm ngoái. Việt Nam chúng ta cũng được đánh giá mạnh nhất ở Đông Nam Á nhờ kim ngạch xuất khẩu điện tử và may mặc.

Philippines và Malaysia cũng khá ấn tượng nhờ nhu cầu tiêu dùng trong nước duy trì mức ổn định. Việt Nam sẽ tăng 6,3% năm 2016 so với 6,7% của năm trước. Malaysia giảm từ 5% xuống 4,4%. Philippines tăng từ 5,8% lên 6%. “Giá hàng hóa thấp có thể là động lực cho kinh tế trong khu vực phát triển tốt hơn dự báo. Những thỏa thuận thương mại khu vực hay rộng lớn hơn như TPP có thể giúp các nước hưởng lợi ngay cả khi chưa chính thức phê duyệt.

Nền kinh tế Trung Quốc có suy giảm nhưng đó là sự… mong chờ bởi kế hoạch tái cân bằng liên tục của đất nước đông dân nhất thế giới này nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào sản xuất và hướng tới tiêu dùng. Nếu như năm 2016, Trung Quốc tăng trưởng 6,9% thì năm nay chỉ khoảng 6,5% và năm 2017 là 6,2%.

Các nước dựa vào tiêu dùng của Trung Quốc sẽ hưởng lợi như New Zealand hay Ấn Độ nhưng các nước dựa vào đầu tư và sản xuất như Hàn Quốc và Đài Loan sẽ gặp khó khăn. Sự thay đổi của Trung Quốc có gây ra ảnh hưởng chút ít với chu kỳ trung hạn ở lĩnh vực sản xuất, nhất là công nghiệp nặng như thép và đóng tàu nhưng mang lại sự ổn định lâu dài cho chính Trung Quốc và thế giới.

Tuy nhiên, IMF lại có cái nhìn không sáng sủa về chuyện nợ nần. Mức tăng trưởng của Nhật Bản chỉ là 0,5% năm nay và chỉ còn 0,1% năm 2017 vì tăng thuế tiêu thụ. Ngoài ra, dân số già, không có chính sách hỗ trợ tích cực và nợ công quá lớn lên tới 200% GDP là rất khó khăn cho hồi phục.

Ngoài ra, tình trạng nợ doanh nghiệp ở châu Á tăng nhanh nhất từ năm 2009 tới nay. Hàn Quốc và Trung Quốc đang đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết tình trạng này. Nợ gia đình cũng tạo sự lo lắng ở Thái Lan, Hong Kong, Malaysia và Singapore.

ANH THƯ (Theo Cnbc, Bloomberg)

.