Quốc tế

Dự luật kiểm soát súng "tắt" tại Thượng viện Mỹ

07:58, 22/06/2016 (GMT+7)

Bất chấp những nỗ lực không ngừng nghỉ của các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ, Thượng viện Mỹ đã bác bỏ một loạt biện pháp tăng cường kiểm soát súng.

Thị trưởng Orlando Buddy Dyer cầm chiếc áo có chữ “Đoàn kết Orlando” khi đón Tổng thống Barack Obama tại sân bay quốc tế Orlando ngày 16-6. Vụ xả súng ở Orlando đặt ra vấn đề về việc thắt chặt kiểm soát sử dụng súng.                                   Ảnh: Getty Images
Thị trưởng Orlando Buddy Dyer cầm chiếc áo có chữ “Đoàn kết Orlando” khi đón Tổng thống Barack Obama tại sân bay quốc tế Orlando ngày 16-6. Vụ xả súng ở Orlando đặt ra vấn đề về việc thắt chặt kiểm soát sử dụng súng. Ảnh: Getty Images

Có đến 4 dự luật chỉnh sửa liên quan việc kiểm soát súng đạn được bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ ngày 20-6 (sáng 21-6, giờ Việt Nam) theo yêu cầu và cả áp lực của các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ. Dự luật thứ nhất do Thượng nghị sĩ Chuck Grassley của bang Iowa đề xuất nhằm tăng thêm ngân sách cho hệ thống kiểm tra thông tin nhân thân liên quan tới sở hữu súng đang tồn tại. Cần 60 phiếu để thông qua dự luật, nhưng kết quả bỏ phiếu là 53 phiếu thuận/47 phiếu chống.

Dự luật thứ hai do Thượng nghị sĩ Chris Murphy của bang Connecticut đề xuất. Ông Murphy cũng là người ra điều trần suốt hơn 14 tiếng và góp phần đáng kể để có cuộc bỏ phiếu lần này. Theo đó, dự luật đề nghị mở rộng phạm vi kiểm soát thông tin liên quan về sở hữu súng và giải quyết vấn đề được xem là lỗ hổng khi cơ quan chức năng không thể theo dõi các thương vụ mua bán vũ khí nóng. Kết quả bỏ phiếu cuối cùng là 44 phiếu thuận/56 phiếu chống.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John Cornyn của bang Texas đề xuất biện pháp cho phép chính phủ có thể trì hoãn một giao dịch mua súng của kẻ bị tình nghi khủng bố trong 72 tiếng. Tuy nhiên, dự luật yêu cầu các công tố viên phải đến tòa án trình bày các chứng cứ của họ để có thể ngăn chặn vĩnh viễn thương vụ này. Hiệp hội súng trường quốc gia Mỹ ủng hộ dự luật, nhưng rốt cuộc nó cũng bị bác bỏ tại Thượng viện với tỷ lệ phiếu cuối cùng là 53 phiếu thuận/47 phiếu chống.

Lần bỏ phiếu thứ tư liên quan đề xuất của Thượng nghị sĩ Dianne Feinstein thuộc bang California. Theo đó, những người bị liệt vào danh sách theo dõi khủng bố của chính phủ hoặc các nghi phạm khủng bố khác sẽ bị cấm mua súng. Bộ Tư pháp Mỹ ủng hộ dự luật của nữ nghị sĩ Dianne Feinstein nhưng nó cũng không thể trở thành luật với kết quả bỏ phiếu cuối cùng là 47 phiếu thuận/53 phiếu chống.

Đợt bỏ phiếu tại Thượng viện diễn ra ngay sau vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, bang Florida, gây chấn động nước Mỹ. Đây là vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại kể từ sau vụ 11-9-2001. Kết quả cuộc bỏ phiếu có lẽ không nằm ngoài tiên lượng của một số hãng truyền thông lớn của Mỹ. Một số hãng thậm chí mô tả rằng, các cuộc bỏ phiếu chỉ là “theo thủ tục” mà thôi!

“Thật không thể tin được nhưng đó lại là sự thật, khi các đồng nghiệp trong đảng Cộng hòa của tôi bỏ phiếu cho phép các nghi phạm khủng bố được mua súng”, Thượng nghị sĩ Charles Schumer của bang New York nói sau khi đợt bỏ phiếu kết thúc. “Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy thông qua các dự luật này cho đến khi nào chúng chính thức trở thành luật lệ ở Mỹ”, ông khẳng định.

Thực tế, các thượng nghị sĩ không thể thống nhất được một thỏa thuận khả dĩ về mặt luật pháp nên các dự luật do từng cá nhân nghị sĩ đề xuất đã không thể vượt qua “cửa” Thượng viện.

Trong khi các nghị sĩ đảng Dân chủ ra sức ngăn chặn việc thông qua hai dự luật sửa đổi của phe Cộng hòa với lý do chúng không thể góp phần kiểm soát việc mua bán vũ khí nóng, thì đáp lại, các nghị sĩ đảng Cộng hòa cũng kịch liệt phản đối hai dự luật sửa đổi của đảng Dân chủ với lý do chúng đe dọa quyền của người sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp Mỹ.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell cho rằng, vụ xả súng tại Orlando cho thấy, cách tốt nhất để ngăn chặn các vụ tấn công của những kẻ cực đoan là hãy đánh bại những tổ chức khủng bố ở nước ngoài.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.