Quốc tế

Tấn công ở sân bay Ataturk: Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc IS là thủ phạm

08:01, 30/06/2016 (GMT+7)

Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đứng sau vụ tấn công bằng súng và đánh bom ở sân bay chính của thành phố Istanbul, làm ít nhất 41 người chết và hơn 230 người khác bị thương. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim gọi đây là “hành động khủng bố thấp hèn và đã được lên kế hoạch”.

Nhiều người chờ đợi tin tức của người thân ở bên ngoài sân bay Ataturk. 	                Ảnh: AFP
Nhiều người chờ đợi tin tức của người thân ở bên ngoài sân bay Ataturk. Ảnh: AFP

Vụ tấn công bằng súng và đánh bom ở sân bay Ataturk, một trong những sân bay đông đúc nhất châu Âu, xảy ra vào đêm 28-6 (giờ Istanbul, sáng sớm 29-6 theo giờ Việt Nam) khi Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu vào mùa du lịch cao điểm. Đây là vụ tấn công đẫm máu nhất trong 4 vụ gây chấn động thành phố Istanbul trong năm nay.

Hãng AFP cho biết, các đối tượng đã xả súng tại lối vào sảnh đi quốc tế của sân bay trước khi tiến vào khu vực kiểm tra an ninh và kích nổ bom trên người. Cảnh sát ngay lập tức phong tỏa hiện trường và tiến hành sơ tán hành khách trong sân bay. Tất cả chuyến bay tại sân bay Ataturk đều bị hoãn nhưng các hoạt động sau đó hầu như được nối lại bình thường trong ngày 29-6, chỉ có một số chuyến vẫn bị hoãn.

Chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim khẳng định có “bằng chứng do Daesh thực hiện”. Daesh là một tên gọi khác của IS.

Phát biểu với báo giới tại hiện trường vụ tấn công, ông Yildirim gọi vụ việc là “hành động khủng bố”. “Vụ tấn công này nhằm vào những người vô tội là một hành động khủng bố thấp hèn và đã được lên kế hoạch”, ông Yildirim nói. Trong số những người chết có cả người nước ngoài: 1 người Ukraine, 1 người Iran và ít nhất 1 người Palestine. Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Bekir Bozdag xác nhận có 239 người khác bị thương. Báo chí Saudi Arabia đưa tin có 7 công dân nước này bị thương.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan kêu gọi một cuộc đấu tranh chung của quốc tế chống lại khủng bố. Ông Erdogan ngay lập tức nhóm họp với Thủ tướng Yildirim cùng các quan chức quân đội. Trong một tuyên bố, vị Tổng thống này nhấn mạnh: “Chúng tôi thúc giục thế giới, đặc biệt là các nước phương Tây, có lập trường vững chắc chống chủ nghĩa khủng bố”. Ông Erdogan còn nói rằng, dù phải trả giá nặng nề nhưng Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có sức mạnh, sự quyết tâm và khả năng để tiếp tục cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đến cùng. Ngày 29-6 cũng là ngày quốc tang và treo cờ rủ ở Thổ Nhĩ Kỳ để tưởng nhớ các nạn nhân.

Các đồng minh phương Tây của Thổ, trong đó có Mỹ, chỉ trích vụ tấn công “ghê tởm” này. Nhà Trắng cho rằng, “sân bay quốc tế Ataturk là một biểu tượng của sự kết nối quốc tế cũng như các mối liên hệ gắn kết chúng ta lại với nhau”, đồng thời khẳng định Mỹ vẫn “trước sau như một” trong việc hỗ trợ Ankara và các đồng minh khác. Các lãnh sự quán Mỹ và Pháp cảnh báo công dân nên tránh xa khu vực sân bay Ataturk.

Nhà phân tích Soner Cagaptay, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Washington (Mỹ), gọi đây là “vụ tấn công mang tính biểu tượng chống lại trái tim của Thổ Nhĩ Kỳ”. “Nếu IS thật sự đứng sau vụ tấn công thì sẽ cho thấy sự leo thang đáng kể của IS hướng về Thổ”, ông Cagaptay nói.

Trong những tháng gần đây, trung tâm du lịch đông đúc Istanbul đã hứng chịu hàng loạt vụ tấn công. Đất nước Thổ Nhĩ Kỳ đã xảy ra ít nhất 5 vụ tấn công và IS bị cho là thủ phạm, trong đó có vụ đánh bom ở Ankara hồi tháng 10 năm ngoái làm hơn 100 người chết.

PHÚC NGUYÊN

.