Quốc tế
Bà Hillary Clinton muốn làm nên lịch sử
Bất kể quan điểm chính trị của mỗi người dân Mỹ là gì, bất kể họ ủng hộ cương lĩnh tranh cử của đảng phái nào, việc bà Hillary Clinton trở thành nữ ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ trở thành dấu mốc quan trọng trong lịch sử cường quốc này.
Bà Hillary Clinton đang kỳ vọng sẽ trở thành bà chủ Nhà Trắng. Ảnh: Reuters |
Khoảnh khắc bà Clinton bước lên bục diễn đàn tại Đại hội đảng toàn quốc đảng Dân chủ để chính thức tiếp nhận đề cử là ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ được cho là sẽ đi vào nhiều cuốn sử của nước Mỹ.
Thời điểm hiện tại, khi cuộc đua vào Nhà Trắng đang trong giai đoạn chặng nước rút, hơn 90% người dân Mỹ biết bà Clinton là ai. Có nhiều lý do, nhưng có một lý do quan trọng nhất, bà là người phụ nữ đầu tiên trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ của một đảng chính tại đất nước này - điều chưa từng xảy ra.
Ngay cả năm 2016, những vị trí cao nhất ở nhiều lĩnh vực xã hội vẫn do phần lớn đàn ông nắm giữ. Phụ nữ chỉ chiếm 4,6% trong tổng số 500 giám đốc điều hành xuất sắc nhất, theo bình chọn của tạp chí Forbes. Phụ nữ cũng chỉ chiếm 14,6% trong số các giám đốc điều hành những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe - lĩnh vực vẫn thường mặc định là phụ nữ dễ có ưu thế hơn.
Tại các hãng luật ở Mỹ, phụ nữ chỉ chiếm 15% trong số những người hành nghề luật. Trong Quốc hội Mỹ, phụ nữ chiếm khoảng 20% số nghị sĩ.
Phải chăng vì vậy, trong những phát biểu vừa qua của Tổng thống Barack Obama đã cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 không chỉ là một sự kiện chính trị, mà còn cho thấy bản chất dân chủ của nước Mỹ.
Phát biểu trước đại hội đảng Dân chủ tại Philadelphia, ông Obama hết lời ca ngợi bà Clinton là người hội đủ mọi yếu tố để sẵn sàng đảm đương cương vị bà chủ Nhà Trắng. Trong khi đó, ông Obama mô tả đối thủ của bà Clinton, tỷ phú Donald Trump, giống như một nhà độc tài chuyên chế chẳng hiểu biết gì. Ông Obama cho rằng, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới “không chỉ là một lựa chọn giữa các đảng phái hay giữa các chính sách, những thảo luận thông thường giữa phải và trái, mà còn là một lựa chọn rất căn bản về nền dân chủ của đất nước chúng ta”.
Tổng thống Mỹ đương nhiệm không ngần ngại khi nói về ông Trump theo cách không chút khách khí như thế này: “Với ông Trump, tôi cá là nếu ông ấy dọa được đủ số người thì có thể ông ấy sẽ giành đủ số phiếu để chiến thắng trong cuộc bầu cử này”.
Cũng chẳng trách được ông Obama đã quá lời bởi trước đó, chính tỷ phú New York Donald Trump đã có một đòn “phủ đầu” trước khi gọi ông Obama là một tổng thống “ngu ngốc nhất trong lịch sử của chúng ta”.
Để bác bỏ những khẩu hiệu ông Trump thường lặp đi lặp lại trong các chiến dịch tranh cử của ông, ông Obama nói: “Nước Mỹ đã vĩ đại rồi. Nước Mỹ đã mạnh mẽ rồi. Và tôi cam đoan với các bạn, sức mạnh của chúng ta, sự vĩ đại của chúng ta, không phụ thuộc vào ông Trump”. Tổng thống Mỹ đương nhiệm không quên khẳng định về sự lạc quan về tương lai của nước ông rằng, bất cứ ai “đe dọa tới các giá trị của chúng ta”, bất kể đó là ai, họ cũng “sẽ luôn phải chuốc lấy thất bại”.
Việc bà Hillary Clinton trở thành nữ ứng cử viên tổng thống Mỹ đầu tiên không chỉ mang ý nghĩa về mặt biểu tượng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, các nữ nghị sĩ ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều có xu hướng theo đuổi nhiều hơn các chính sách góp phần giải quyết những vấn đề của nữ giới.
Một nghiên cứu của nhà khoa học chính trị ở Georgetown, bà Michele Swers, nhận thấy các nữ nghị sĩ Mỹ đã đồng lòng ủng hộ trong khoảng 10,6% các dự luật liên quan tới sức khỏe phụ nữ. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ trung bình ở các nghị sĩ nam trong vấn đề này chỉ 5,3%. Bà Swers nói: “Những phụ nữ trong Quốc hội sẽ giúp các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ được ưu tiên hơn như vấn đề bạo lực liên quan tới phụ nữ, các chính sách thai sản, ốm đau, v.v…”.
Có lẽ cũng giống như những cử tri Mỹ ủng hộ bà Clinton, ông Obama kỳ vọng sự đổi mới cùng với việc phát huy những giá trị tốt đẹp truyền thống của nước Mỹ nếu bà Hillary đắc cử.
Nhà Trắng cho biết, ông Obama đã dành nhiều tuần qua để chăm chút cho bài phát biểu 45 phút tại Đại hội đảng Dân chủ để nói tất cả những gì cần thiết nhằm ủng hộ bà Clinton. Ông nói: “Tôi có một niềm tin rằng, khi tôi rời khỏi sân khấu này đêm nay, đảng Dân chủ sẽ nằm trong tay một người giỏi giang. Cảm ơn bà vì hành trình kỳ diệu này”.
TRẦN ĐẮC LUÂN