Quốc tế
Ủy ban điều tra chỉ trích ông Tony Blair
Ủy ban điều tra của Anh về cuộc chiến tranh Iraq nhận định: Cơ sở pháp lý cho hành động quân sự của nước này ở Iraq là “không thỏa đáng”, chính sách của London về Iraq dựa trên “những đánh giá và thông tin tình báo sai lầm”.
Ông Tony Blair nói rằng, quyết định tham chiến ở Iraq là “quyết định quan trọng nhất, khó khăn nhất và đau đớn nhất” của ông trong 10 năm làm Thủ tướng Anh. Ảnh: AFP |
Khi báo cáo do Ủy ban điều tra của Anh về cuộc chiến tranh Iraq công bố vào ngày 6-7, cựu Thủ tướng Tony Blair trở thành tâm điểm bị chỉ trích vì quyết định của ông trong việc tham chiến cùng với Mỹ. Ông Blair giữ chức Thủ tướng từ năm 1997-2007 và nước Anh là đồng minh chính của Mỹ trong cuộc chiến tranh Iraq năm 2003. Hệ quả của cuộc chiến này là 179 binh sĩ Anh cùng khoảng 150.000 người Iraq thiệt mạng, để lại những “vết sẹo” cho cả hai bờ Đại Tây Dương.
Hãng AFP cho biết, được đưa ra sau 13 năm bắt đầu cuộc chiến tranh Iraq, bản báo cáo Chilcot (mang tên của Chủ tịch Ủy ban điều tra John Chilcot) chỉ trích vai trò của Anh. Báo cáo cho rằng, Anh đã triển khai quân đến Iraq trước khi các phương án ngoại giao trở nên bất khả thi và ở thời điểm không hề có “mối đe dọa sắp xảy ra nào” từ Saddam Hussein. Báo cáo cũng đề cập việc ông Tony Blair, lúc đó làm Thủ tướng Anh, đã viết cho Tổng thống Mỹ G.W.Bush vào tháng 7-2002, tức 8 tháng trước khi tiến hành cuộc chiến Iraq rằng: “Dù thế nào tôi cũng sát cánh bên ngài”.
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban điều tra John Chilcot khẳng định, hành động quân sự không phải là giải pháp cuối cùng trong cuộc chiến tranh Iraq. Theo ông Chilcot, cơ sở pháp lý cho hành động quân sự của Anh ở Iraq là “không thỏa đáng”; đồng thời, chính sách của Anh về Iraq được đưa ra dựa trên “những đánh giá và thông tin tình báo sai lầm”.
Trong cuộc họp báo kéo dài 2 tiếng đồng hồ ở London ngày 6-7, với tâm trạng ngổn ngang cảm xúc, ông Blair bày tỏ “sự đau buồn, nỗi ân hận” nhưng khẳng định thế giới “an toàn hơn” sau khi lật đổ Saddam Hussein. “Tôi tin rằng chúng tôi đã có quyết định đúng và thế giới trở nên tốt đẹp, an toàn hơn”, ông Blair nói. “Cả thế giới trở nên tốt đẹp hơn khi không có Saddam Hussein nắm quyền”, ông Blair khẳng định, đồng thời cho rằng bản thân Saddam là “cội nguồn của khủng bố”.
Hãng AP dẫn lời cựu Thủ tướng Anh lý giải: “Ít nhất, giờ đây ở Iraq, chúng ta có một chính phủ được hình thành thông qua bầu cử và được quốc tế công nhận”. Vị cựu lãnh đạo này cũng mô tả quyết định tham gia liên quân với Mỹ tấn công Iraq là “quyết định quan trọng nhất, khó khăn nhất và đau đớn nhất” trong 10 năm làm Thủ tướng Anh.
Trong lúc đó, những người biểu tình chống chiến tranh tổ chức tuần hành ở London và hô vang khẩu hiệu: “Blair đã nói dối, hàng ngàn người đã chết”; đồng thời gọi cựu Thủ tướng là “Tội phạm chiến tranh Tony Blair”. Các trang nhất của báo chí Anh cũng đưa tin về báo cáo của Ủy ban điều tra. Tờ The Times mô tả đây là “cuộc chiến của riêng ông Blair”.
Ngoài 150.000 người Iraq thiệt mạng trong 6 năm sau khi Mỹ và Anh tấn công quốc gia vùng Vịnh này, Baghdad bị đẩy vào bất ổn và từ đó tạo ra mảnh đất màu mỡ cho các nhóm thánh chiến như tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) - mối đe dọa khủng bố của thế giới hiện nay. Đến nay, bạo lực vẫn xảy ra ở Iraq, mới nhất là vụ đánh bom liều chết ở thủ đô Baghdad làm ít nhất 250 người chết.
Thân nhân của khoảng 179 binh sĩ Anh, những người đã thiệt mạng ở Iraq, cho biết họ sẽ xem xét kỹ lưỡng chứng cứ để có hành động pháp lý chống lại ông Blair và các quan chức khác. Các nghị sĩ Anh cũng đang xem xét khả năng chống lại ông Blair, bao gồm cả việc đưa ông ra Tòa án Hình sự quốc tế.
Ngày 7-7, cựu Thủ tướng Úc John Howard cũng bảo vệ quyết định của ông trong việc đưa đất nước tham chiến ở Iraq cùng Mỹ và Anh. Ông Howard nói rằng, không có lời nói dối nào ở đây cả. “Tôi tin quyết định tấn công Iraq đã được chứng minh vào thời điểm đó… và đó là quyết định đúng”, cựu lãnh đạo Úc phát biểu tại cuộc họp báo ở Sydney.
Trước khi diễn ra cuộc chiến tranh Iraq, Tổng thống Saddam Hussein bị cho là sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt. Tuy nhiên, đến nay, không có vũ khí hủy diệt hàng loạt nào được tìm thấy ở Iraq.
Hãng AFP cho biết, năm 1997, ông Tony Blair trở thành Thủ tướng Anh ở tuổi 43, đồng thời là Thủ tướng trẻ nhất xứ sở sương mù kể từ năm 1812. Sau sự kiện 11-9-2001, ông Blair nhanh chóng trở thành đồng minh thân thiết với Tổng thống Mỹ G.W.Bush. London đã đưa quân đến Afghanistan và đồng ý tham gia sứ mệnh do Mỹ dẫn đầu trong việc lật đổ ông Saddam Hussein ở Iraq vào năm 2003. Lúc đó, 1 triệu người đã biểu tình trên các đường phố London để phản đối cuộc chiến tranh Iraq. Năm 2005, ông Blair tái đắc cử, tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng nhiệm kỳ 3. Ngày 7-7-2005, một ngày sau khi London giành quyền đăng cai Thế vận hội Olympic 2012, 4 kẻ đánh bom liều chết đã tấn công hệ thống giao thông công cộng ở thủ đô, làm 52 người chết. Hai năm sau đó, ông Blair từ chức và người kế nhiệm là Bộ trưởng Tài chính Gordon Brown. |
PHÚC NGUYÊN