Quốc tế
Phát triển nông nghiệp không phá rừng
Tổ chức Lương Nông Liên Hợp Quốc (FAO) kêu gọi các nước cần phát triển nông nghiệp nhằm bảo đảm an ninh lương thực mà không phá rừng.
Liên Hợp Quốc kêu gọi phát triển nông nghiệp mà không chặt phá rừng. |
Báo cáo mới nhất của FAO đưa ra hồi tuần này cho thấy tình trạng phá rừng vẫn diễn ra ở các nước nhiệt đới, phần lớn là các nước có thu nhập thấp và dân số nông thôn đang tăng nhanh. Tính từ năm 2000 tới 2010, mỗi năm mất tới 7 triệu ha rừng và tăng khoảng 6 triệu ha đất nông nghiệp. Quy mô thương mại nông nghiệp ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như sau: 40% do phá rừng, 33% tự sản xuất, hạ tầng 10%, mở rộng đô thị 10% và 7% do khai khoáng. Có một số vùng như ở châu Mỹ La-tinh thì tỷ lệ đóng góp do phá rừng lên tới 70%.
Bà Eva Muller, Trưởng bộ phận chính sách lâm nghiệp và tài nguyên của FAO cho biết, quá trình phân tích số liệu cho thấy trong vòng 25 năm qua có hơn 20 nước duy trì hoặc tăng diện tích che phủ của rừng nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực, đáng kể nhất là Chile, Việt Nam, Gambia và Ghana… Hay như ở Costa Rica, chính phủ khuyến khích người dân trồng rừng và không chặt phá cây bởi vì nông nghiệp hưởng lợi rất nhiều từ rừng như hưởng lợi về nguồn nước, tránh xói lở, giảm lũ lụt và kiểm soát khí hậu. Đó chính là bức thông điệp cho thấy, bạn có thể tăng năng suất nông nghiệp mà không cần phải phá rừng. Ở rất nhiều quốc gia, chính sách lâm nghiệp và nông nghiệp không phối hợp được với nhau, thậm chí “đá” nhau.
Bà Muller cảnh báo dân số thế giới vào năm 2050 khoảng 9 tỷ người (hiện tại là 7,4 tỷ) nhưng 80% diện tích đất canh tác trên toàn cầu đã được khai thác. Rõ ràng với cách canh tác như hiện nay thì sử dụng hết 20% còn lại vẫn khó lòng đáp ứng nhu cầu lương thực cho toàn bộ dân số thế giới nên cần phải đầu tư vào nông nghiệp để thúc đẩy tăng năng suất. Bà cho biết thêm một số nước ở châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh cũng đã cải thiện quyền đất đai, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và bảo vệ rừng một cách hiệu quả.
Bà lưu ý sự cần thiết phải phối hợp tốt hơn giữa các ngành về chính sách nông nghiệp, lâm nghiệp, thực phẩm và sử dụng đất đai, cũng như các khuôn khổ pháp lý hiệu quả và sự tham gia của các cộng đồng địa phương. “Chính phủ nên cung cấp cho các cộng đồng địa phương không chỉ có quyền sử dụng đất mà còn với quyền sử dụng rừng. Một nông dân biết cách tốt nhất để quản lý các nguồn lực của mình nhưng thường thiếu công cụ pháp lý để thực hiện”, bà Muller nói. Trong khi đó, Tổng Giám đốc FAO José Graziano Da Silva nhấn mạnh sự cần thiết hợp tác giữa lâm nghiệp và nông nghiệp sẽ giúp giảm thiệt hại về môi trường và giải quyết các vấn đề về kinh tế và xã hội; giúp thế giới thoát khỏi cảnh đói và nghèo vào năm 2030!
ANH THƯ (Theo thegazette,un.org)