Quốc tế
Tòa trọng tài là tiếng nói quan trọng
Xung quanh phán quyết của Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett cho rằng, tiếng nói quan trọng trong vụ việc này chính là tiếng nói của PCA.
Tàu tuần dương của Trung Quốc trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Ngày 13-7 (sáng 14-7, giờ Việt Nam), tại trụ sở của Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington D.C, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Colin Willett đã chủ trì cuộc họp báo qua điện thoại về chủ đề tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông với phóng viên các nước.
Tuy chủ đề chung là tranh chấp ở Biển Đông nhưng bà Willett và phóng viên đều tập trung đề cập phán quyết của PCA được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) về vụ Philippines kiện Trung Quốc.
Trong bài phát biểu mở đầu, bà Willett nêu rõ phán quyết của PCA mang “tính ràng buộc và cuối cùng”, theo quy định của UNCLOS, trong đó Trung Quốc là một thành viên. Bà Willett đề cập 4 điểm chính của phán quyết mà Washington muốn nhấn mạnh, bao gồm: tòa kết luận không có căn cứ lịch sử cho đường chín đoạn; tòa xác định các thực thể mà Philippines tuyên bố chủ quyền có vùng lãnh hải không lớn hơn 12 hải lý; Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo đã can thiệp và vi phạm các quyền của Philippines; việc cải tạo đất đá quy mô lớn và các phương pháp đánh cá của Trung Quốc đã gây tổn hại cho môi trường biển. “Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên kiềm chế không thực hiện những hành vi khiêu khích, hành động cưỡng ép, cố gắng sử dụng vũ lực. Chúng tôi muốn tất cả các bên tôn trọng pháp quyền, luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982”, bà Willett nhấn mạnh.
Khi được hỏi rằng, Mỹ có thể giúp Philippines giành được sự ủng hộ và hợp tác của cộng đồng quốc tế trong việc tuân thủ phán quyết của PCA như thế nào, bà Willet khẳng định: Tiếng nói quan trọng trong vụ việc này chính là tiếng nói của PCA; kết luận của PCA đã xem xét kỹ lưỡng các tranh cãi của phía Trung Quốc và bác bỏ những tranh cãi này thông qua các quyết định rõ ràng. Theo đó, cả Philippines lẫn Trung Quốc cần phải có nghĩa vụ tuân thủ phán quyết. “Tôi không tin bất cứ nước nào trong khu vực muốn gây căng thẳng cả. Họ hiểu rõ nghĩa vụ tuân thủ luật pháp quốc tế”, bà Willett nói.
Đối với việc Trung Quốc tuyên bố có thể thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông, bà Willett cho rằng, bất cứ hành động nào gây cản trở tự do hàng hải, hàng không trong khu vực đều là những hành động mang tính khiêu khích cao và không được cộng đồng quốc tế chấp nhận.
Trong khi đó, là nguyên đơn của vụ kiện, Philippines kêu gọi Trung Quốc tôn trọng phán quyết của PCA, đồng thời cho biết Manila sẽ nêu vấn đề này tại Hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) vào ngày 15 và 16-7 ở thủ đô Ulan Bator của Mông Cổ, trong đó có sự tham gia của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
Giáo sư Luật William Burke White thuộc Đại học Pennsylvania nhận định: Phán quyết ngày 12-7 của PCA là nỗ lực pháp lý quốc tế đáng kể nhất để góp phần giải quyết các xung đột, tranh chấp trong khu vực. Theo vị giáo sư này, Trung Quốc có thể phớt lờ phán quyết, nhưng làm như vậy sẽ chỉ phản tác dụng. Giáo sư William Burke White nói rằng, với tư cách là một nước lớn, Trung Quốc cần được nhìn nhận với hình ảnh là một người tuân thủ pháp luật, chứ không phải kẻ phá luật; cũng như là người đem lại cơ hội kinh tế, chứ không phải những mối đe dọa về an ninh.
Ngày 14-7, trả lời câu hỏi của báo chí về thông tin ASEAN sẽ không ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 giải quyết vụ kiện trọng tài giữa Philippines và Trung Quốc, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết: “Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Như chúng ta đều biết, lập trường nhất quán của ASEAN là giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế và nhất là Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Nêu cao tinh thần đoàn kết cũng như vai trò trung tâm của ASEAN trong việc nỗ lực đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy quan hệ hợp tác với các đối tác”. Theo VOV.VN |
B.T tổng hợp