Quốc tế

Trung Quốc có thể lập ADIZ ở Biển Đông

07:58, 14/07/2016 (GMT+7)

Trong Sách Trắng được phát hành ngày 13-7, Trung Quốc tuyên bố có quyền thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.

Tàu nạo vét của Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của  Việt Nam.   								          Ảnh: Reuters/TTXVN
Tàu nạo vét của Trung Quốc tổ chức nạo vét, bồi đắp trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Reuters/TTXVN

Phát biểu với báo giới ở Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân khẳng định: “Về việc Trung Quốc có thiết lập ADIZ ở Biển Đông hay không, chúng tôi phải nói rõ là Trung Quốc có quyền này… Nhưng chúng tôi có làm điều này hay không thì phụ thuộc vào mức độ đe dọa chúng tôi đối mặt”.

Tuyên bố của ông Lưu Chấn Dân được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) ra phán quyết rằng, yêu sách của Trung Quốc về “các quyền lịch sử” đối với các vùng biển nằm trong “đường 9 đoạn” là trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Theo đó, Trung Quốc không có “tư cách lịch sử” đối với các vùng biển ở Biển Đông và không có cơ sở pháp lý để đưa ra những tuyên bố về “các quyền lịch sử” đối với những nguồn tài nguyên trong “đường 9 đoạn”.

Tuy nhiên, trong Sách Trắng về các tranh chấp với Philippines ở Biển Đông được công bố ngày 13-7, Trung Quốc khẳng định tàu cá của họ bị Manila quấy rối và tấn công ở khu vực Trường Sa. Bắc Kinh cũng ngang nhiên tuyên bố có quyền lập ADIZ trên vùng biển này.

Trước đó, sau phán quyết của PCA, bà Elina Noor, Giám đốc nghiên cứu an ninh và chính sách đối ngoại của Viện Nghiên cứu và Chiến lược quốc tế Malaysia dự báo Trung Quốc sẽ tuyên bố thiết lập ADIZ ở Biển Đông và đưa thêm nhiều tàu xâm nhập các vùng đặc quyền kinh tế của những nước tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc.

ADIZ từng được Trung Quốc thành lập ở Biển Hoa Đông nhưng không được Mỹ và nhiều nước công nhận. Các quan chức Mỹ cũng lo ngại Trung Quốc sẽ phản ứng với phán quyết PCA bằng cách lập ADIZ ở Biển Đông.

Trong cuộc gặp gỡ Cao ủy phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini ngày 13-7 ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn tuyên bố “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ không bị ảnh hưởng bởi phán quyết của PCA.

Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Phát biểu trước báo giới, Ngoại trưởng Úc Julie Bishop thúc giục Philippines và Trung Quốc tuân theo quyết định của tòa vì “đó là phán quyết cuối cùng và ràng buộc đối với cả hai bên”. Bà Bishop cho rằng, việc tuân thủ luật pháp quốc tế là nền tảng cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực Đông Á; và phán quyết của PCA là một trường hợp thử nghiệm quan trọng cho khu vực trong quản lý các tranh chấp một cách hòa bình.

Hàn Quốc cũng kêu gọi thực hiện “các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo” để giải quyết tranh chấp về Biển Đông sau phán quyết của PCA. “Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận phán quyết được công bố ngày 12-7 và hy vọng về một giải pháp cho cuộc tranh chấp tại Biển Đông thông qua các nỗ lực ngoại giao hòa bình và sáng tạo”, Yonhap dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ.

Tại thủ đô Bắc Kinh, trong khuôn khổ chuyến thăm Trung Quốc để tham dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 18 giữa Trung Quốc và EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk bày tỏ hy vọng phán quyết của PCA sẽ có ý nghĩa quan trọng tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm ở Biển Đông. Ông khẳng định EU hoàn toàn tin tưởng vào PCA và tiến trình vụ kiện; đồng thời bày tỏ hy vọng phán quyết sẽ được sử dụng để “tạo ra một động lực tích cực” trong nỗ lực tìm kiếm một giải pháp đối với tranh chấp trên Biển Đông. Cũng tại Bắc Kinh, bà Federica Mogherini cho biết, EU kêu gọi tất cả các bên tôn trọng những quyết định về luật pháp và ủng hộ UNCLOS, trong đó có tự do hàng hải.

Theo nhà nghiên cứu địa chính trị Malaysia, GS,TS Azmi Hassan, quyết định của PCA cần trở thành xung lực cho ASEAN, đặc biệt là 4 quốc gia có tuyên bố chủ quyền, trong việc thúc đẩy Trung Quốc ký kết Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (COC). GS,TS Azmi Hassan cho rằng, tiến trình xây dựng và ký kết COC đã kéo dài quá lâu mà không có nhiều tiến triển. “ASEAN cần phải có bước đi táo bạo để buộc Trung Quốc phải ký COC. Không có lý do gì nữa cho việc Trung Quốc trì hoãn việc này”, ông Hassan nói.

Một nhà phân tích khác, GS Abu Bakar đến từ khoa Nghiên cứu quốc tế, Đại học Malaysia nhận định: Trung Quốc sẽ không nhún mình trước quyết định của PCA; thay vào đó, Bắc Kinh sẽ tăng cường sự hiện diện về quân sự trên Biển Đông để trả đũa quyết định nói trên.

Tại Hội thảo Biển Đông thường niên lần thứ 6, khai mạc tại trụ sở Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) sáng 12-7 (tối cùng ngày, giờ Việt Nam), Thượng nghị sĩ Dan Sullivan hoan nghênh phán quyết của PCA, cho rằng phán quyết này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với tất cả các bên tranh chấp ở Biển Đông. Ông thúc giục Trung Quốc thể hiện là một bên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế và tuân thủ phán quyết của tòa.

Ông Daniel Kritenbrink, Giám đốc cấp cao phụ trách châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nhấn mạnh: “Washington ủng hộ các cơ chế giải quyết tranh chấp bằng biện pháp ngoại giao và hòa bình, như cơ chế trọng tài PCA, và Trung Quốc cần tuân thủ phán quyết này”.

Hội thảo Biển Đông thường niên do Chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á của CSIS tổ chức. Hội thảo lần này thu hút sự tham gia đông đảo nhất từ trước tới nay, với các chuyên gia đến từ Mỹ, Philippines, Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Úc và Malaysia.

TTXVN

PHÚC NGUYÊN tổng hợp

.