Quốc tế
Nga tố Ukraine đứng sau âm mưu khủng bố
Tổng thống Nga Vladimir Putin tố Ukraine đứng sau một âm mưu khủng bố tại Crimea. Tuy nhiên, Ukraine kiên quyết bác bỏ cáo buộc này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định sẽ tăng cường các biện pháp an ninh cho Crimea. Ảnh: AFP |
Việc Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) tuyên bố ngăn chặn được một âm mưu khủng bố tại Cộng hòa Crimea do tình báo quân đội của Ukraine thực hiện và đánh bại một cuộc tấn công vũ trang làm dấy lên căng thẳng giữa Mátxcơva với Kiev. Trong lúc đó, khủng hoảng nghiêm trọng trong quan hệ giữa hai nước kể từ khi bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga hồi tháng 3-2014 vẫn chưa được tháo gỡ.
Hãng AFP dẫn tuyên bố của FSB cho biết, một nhân viên của lực lượng này đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ khi truy bắt các đối tượng khủng bố tại một quận thuộc thành phố Armyansk, Cộng hòa Crimea vào các đêm 6-8 và 7-8. FSB đã thu giữ 20 vật liệu nổ và 40kg thuốc nổ TNT, các loại lựu đạn, mìn và nhiều loại vũ khí khác. Theo FSB, các đối tượng khủng bố muốn gây bất ổn cho Crimea về chính trị và xã hội trước thềm bầu cử các cơ quan quyền lực địa phương và toàn Liên bang Nga vào tháng 9 tới.
Ngoài ra, lực lượng an ninh và quân đội Nga đã ngăn chặn các nhóm biệt kích khác được tung vào Crimea từ phía Ukraine vào rạng sáng 8-8. Trong chiến dịch này, một quân nhân Nga đã thiệt mạng.
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Đây là thông tin đáng báo động. Thực tế, cơ quan an ninh của chúng tôi đã ngăn chặn một cuộc tấn công lãnh thổ do một nhóm phá hoại từ Bộ Quốc phòng Ukraine thực hiện”. Nhà lãnh đạo Nga cáo buộc giới chức Ukraine đứng sau vụ việc, đồng thời cảnh báo cái chết của 2 nhân viên an ninh Nga sẽ dẫn đến những hệ quả. “Đây là một canh bạc rất nguy hiểm. Tất nhiên chúng tôi sẽ làm mọi việc để bảo đảm an ninh cho cơ sở hạ tầng, cho công dân và sẽ có thêm các biện pháp an ninh”, ông Putin nói. FSB cũng xác nhận cơ quan này đã thúc đẩy các biện pháp an ninh xung quanh Crimea sau những vụ việc nói trên.
Ngày 11-8, ông Putin đã nhóm họp với các quan chức an ninh hàng đầu của Nga để bàn thảo về việc thúc đẩy an ninh ở Crimea.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko khẳng định cáo buộc của Nga là “vô lý và thiếu cân nhắc”. Hãng Interfax dẫn lời ông Poroshenko gọi cáo buộc này là “sự tưởng tượng” và “chỉ là cái cớ cho mối đe dọa quân sự tiếp theo đối với Ukraine”. Người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia Ukraine Oleksandr Turchynov và cả Bộ Quốc phòng của nước này cũng đều cho rằng, cáo buộc là giả. Đại sứ Ukraine tại Liên Hợp Quốc Volodymyr Yelchenko cho hay, Kiev sẽ đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhóm họp khẩn cấp nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Trong lúc đó, theo Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), việc giám sát biên giới giữa Ukraine và Crimea không thấy có bất kỳ vụ việc gì. Song, tổ chức này nói rằng, giao thông trên các tuyến đường đã bị ngừng hồi đầu tuần này và việc tuần tra biên giới dường như được đặt trong tình trạng báo động cao.
Năm 2014, bán đảo Crimea được sáp nhập vào Nga sau khi Mátxcơva đưa hàng ngàn lực lượng đặc biệt đến kiểm soát các căn cứ của Ukraine. Crimea cũng tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để lựa chọn trở về “đất mẹ” Nga. Những động thái này làm mối quan hệ giữa hai nước láng giềng thời hậu Liên Xô cũ tan vỡ, đồng thời đẩy quan hệ giữa Nga với phương Tây xuống mức thấp nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Từ sau khi trở về với Nga, Crimea vẫn duy trì được tình trạng hòa bình. Song, cuộc xung đột ở đông Ukraine, mà phương Tây và Kiev đổ lỗi cho Nga, đã làm khoảng 9.500 người chết.
Lần này, Tổng thống Putin cho biết, sau các vụ việc mới xảy ra ở Crimea, ông sẽ không có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Poroshenko và những nhà hòa giải trung gian - Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande - bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc vào tháng 9 tới.
THIÊN BÌNH