Quốc tế
Tàu Hải quân Mỹ thăm Trung Quốc
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Hải quân Mỹ đã cập cảng Thanh Đảo ở miền bắc Trung Quốc. Đây là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của tàu chiến Washington kể từ khi Tòa trọng tài thường trực quốc tế (PCA) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Benfold sẽ diễn tập chung với hạm đội phương Bắc của Trung Quốc. Ảnh: navaltoday.com |
Hãng AP cho biết, ngày 8-8, tàu khu trục USS Benfold mang tên lửa Mỹ dẫn đường đến cảng Thanh Đảo, nơi đóng quân của hạm đội phương Bắc của Trung Quốc. Theo đó, tàu USS Benfold sẽ diễn tập chung với hạm đội phương Bắc.
Phát biểu tại cuộc họp báo ngày 8-8, Tư lệnh Hải quân Just L. Harts cho biết, chuyến thăm của tàu USS Benfold nhằm xây dựng mối quan hệ với Hải quân Trung Quốc. Song, ông Harts cũng đề cập các câu hỏi liên quan đến căng thẳng ở Biển Đông đối với Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii.
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết của PCA được đưa ra vào ngày 12-7 vừa qua về vụ Philippines kiện Bắc Kinh. Không những thế, Trung Quốc còn chỉ trích Mỹ rằng, Washington đã khuyến khích các hành động của Manila.
Tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng, Mỹ, Nhật Bản và Úc đang “thổi bùng ngọn lửa” căng thẳng ở khu vực sau khi các nước này ra tuyên bố chung thúc giục Bắc Kinh ngừng các hoạt động bồi đắp và xây dựng các tiền đồn quân sự trên Biển Đông.
Sau phán quyết của PCA đối với Trung Quốc, Mỹ tuyên bố vẫn tiếp tục các hoạt động tuần tra tự do hàng không, hàng hải trên Biển Đông theo luật quốc tế.
Trong lúc đó, cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos đến Hong Kong để gặp gỡ “những người bạn cũ” và “nhen nhóm lại quan hệ” với Trung Quốc sau khi Manila thắng Bắc Kinh trong vụ kiện ở PCA. Song, ông Ramos không cho biết “những người bạn cũ” là ai, chỉ biết rằng họ có thể hỗ trợ để tạo ảnh hưởng đến các nhà lãnh đạo Bắc Kinh. Reuters dẫn lời Ernesto Abella, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận định: Động thái này có thể mở đường cho các cuộc đàm phán ngoại giao trong tương lai.
Ông Ramos, giữ chức Tổng thống từ năm 1992-1998, mô tả vai trò của mình là “người phá băng”. Vị cựu Tổng thống 88 tuổi đã chấp nhận đề nghị từ Tổng thống đương nhiệm Duterte làm đặc sứ đến Trung Quốc. Tuy nhiên, tại cuộc họp báo ở Manila trước giờ khởi hành, ông Ramos cho hay, ông không có nhiệm vụ đề cập đến phán quyết của PCA. “Sứ mệnh của tôi là nhen nhóm lại quan hệ với Trung Quốc”, ông nói. Theo đó, các quan chức của cả hai nước sẽ có các cuộc đàm phán chính thức.
Liên quan đến vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, ngày 8-8, Tokyo tuyên bố sẽ có biện pháp “đáp trả cứng rắn và bình tĩnh” sau khi các tàu của Trung Quốc 14 lần xuất hiện ở gần khu vực tranh chấp hồi cuối tuần qua, làm dấy lên căng thẳng giữa hai nước.
Reuters dẫn lời Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho hay, Tokyo sẽ tiếp tục thúc giục Bắc Kinh không làm căng thẳng leo thang ở Biển Hoa Đông. Theo ông Suga, đến sáng 8-8, vẫn còn 12 tàu Trung Quốc hiện diện trong vùng biển mà Tokyo tuyên bố chủ quyền. Các cơ quan của Nhật Bản, trong đó có lực lượng phòng vệ bờ biển, sẽ cùng hành động chặt chẽ để đối phó với hình huống.
Cuối tuần qua, vùng biển Hoa Đông nóng lên với sự có mặt của khoảng 230 tàu cá Trung Quốc. Trước đó, trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông, tuy không liên quan đến tranh chấp nhưng Nhật Bản thúc giục Trung Quốc tuân thủ phán quyết của PCA. Điều này khiến Bắc Kinh tức giận và cảnh báo Tokyo không nên can thiệp.
PHÚC NGUYÊN