Quốc tế
Philippines trấn áp tội phạm ma túy
Bất chấp sự phản đối của các tổ chức nhân quyền, số tội phạm mua bán, sử dụng ma túy bị tiêu diệt không qua xét xử tại Philippines tăng vọt trong thời gian qua khi được sự hậu thuẫn của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Một người dân phản đối việc giết người bừa bãi trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy. Ảnh: Reuters |
Trong những tháng qua, cảnh sát và lực lượng dân phòng Philippines đã bắn chết hàng trăm người bị cho là liên quan hoạt động buôn bán ma túy. Những người bị bắn chết là những người buôn bán hoặc sử dụng ma túy.
Chiến dịch thanh trừng tội phạm ma túy của Tổng thống Rodrigo Duterte dường như đang ngày càng tăng tốc. Đúng như những gì ông đã hứa với các cử tri trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ quét sạch tội phạm ma túy trên toàn quốc, với thời gian thực hiện lời hứa là 6 tháng, rất có thể mức độ thanh trừng sẽ còn được đẩy nhanh hơn để… hoàn thành tiến độ.
Nhiều năm nay, các tổ chức nhân quyền đã lên án ông Duterte chống lưng cho việc thanh trừng không qua xét xử tội phạm ngay khi ông còn là Thị trưởng thành phố Davao. Những người phản đối ông Duterte lo ngại ông có thể sẽ lấy cớ tiêu diệt tội phạm để giải quyết cả những đối thủ bất đồng quan điểm với mình.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Giám sát nhân quyền Phelim Kine nói: “Chúng tôi nhận thấy tình hình tại Philippines đang rất đáng báo động khi số vụ cảnh sát bắn chết các nghi phạm buôn bán và sử dụng ma túy ngày càng tăng một cách lo ngại”.
Từ đầu năm 2016 đến ngày 9-5, thời điểm diễn ra cuộc bầu cử tại Philippines, cảnh sát đã bắn chết 39 người trong các chiến dịch truy quét tội phạm. Từ sau bầu cử đến nay, các nhóm dân phòng và cảnh sát đã giết chết ít nhất 693 người, theo thống kê của nhật báo Inquirer (Philippines). Trong đó, nhiều người bị bắn gục ngay trên đường phố.
Ngoài ra, các tổ chức nhân quyền của Philippines và quốc tế cũng lên án mạnh mẽ hơn cách thức điều hành đất nước của ông Duterte. Đầu tháng 8 này, hàng trăm tổ chức xã hội dân sự viết thư gửi Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) kêu gọi can thiệp, buộc UNODC ra thông cáo phản đối chiến dịch thanh trừng này. Một Ủy ban Thượng viện Philippines cũng sẽ vào cuộc điều tra về các vụ thanh trừng.
Bất chấp những chỉ trích, ông Duterte vẫn tiếp tục ủng hộ các cuộc giết chóc tội phạm. Trước khi tuyên thệ nhậm chức hồi tháng 6, ông Duterte thậm chí khuyến khích người dân tự tay giết chết những kẻ buôn bán ma túy nếu có vũ khí. Ông nói: “Hãy thoải mái gọi cho chúng tôi, lực lượng cảnh sát, hoặc hãy tự tay mình giải quyết nếu bạn có súng- bạn sẽ được tôi ủng hộ”. Tổng thống Philippines thậm chí nói rằng, những người tự tay giết được tội phạm ma túy sẽ được thưởng huân chương.
Thực tế, tại Philippines, không chỉ mình ông Duterte ủng hộ biện pháp cứng rắn với tội phạm ma túy mà nhiều quan chức khác cũng có quan điểm như vậy. Tháng trước, Tổng biện lý sự vụ Philippines nói rằng, số tội phạm bị giết trong chiến dịch truy quét tội phạm ma túy ở nước này “vẫn chưa đủ”.
Hàng ngàn người dính líu tới ma túy đã ra trình diện. Các quan chức Philippines, khoảng 600.000 người đầu thú nhưng phần lớn họ không bị bỏ tù. Dẫu thế thì với số vụ bắt bớ tăng vọt, các nhà tù vốn đã quá tải ở Philippines nay càng trở nên quá mức chật chội. Chẳng hạn, nhà tù Quezon ở Manila chỉ có chỗ cho 800 người thì nay phải giam giữ 3.800 người.
72,3 tỷ USD là mức ngân sách của Philippines trong năm 2017, tăng 11,6% so với ngân sách năm nay, trong đó ngân sách hỗ trợ cuộc chiến chống tội phạm tăng mạnh (72,3 tỷ USD = 3.350 tỷ peso). Cụ thể, ngân sách dành cho lực lượng cảnh sát sẽ tăng 24,6% lên mức 110,4 tỷ peso để tuyển dụng thêm sĩ quan, tăng lương và trang bị thêm súng. Ngân sách cho bộ máy tư pháp tăng 21,5% và ngân sách cho quân đội cũng dự kiến tăng 15% lên 130,6 tỷ peso. Tổng thống Rodrigo Duterte nói rằng, ưu tiên hàng đầu của việc tăng ngân sách quốc gia là để “trấn áp tội phạm hiệu quả hơn”. |
DƯƠNG QUANG