Quốc tế
Phép thử đối với Thủ tướng Prayuth
Cuộc bỏ phiếu trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới ở Thái Lan ngày 7-8 được cho là phép thử lớn đối với chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha.
Các binh sĩ đi bỏ phiếu tại thủ đô Bangkok. Ảnh: AFP |
Theo Reuters, trưng cầu dân ý về dự thảo hiến pháp mới sẽ mở đường cho cuộc tổng tuyển cử ở Thái Lan vào năm 2017. Trước thềm bỏ phiếu, các kết quả thăm dò cho thấy, một bộ phận cử tri sẽ chấp nhận hiến pháp mới nhưng hầu hết vẫn chưa quyết định.
Hãng AFP dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Supachai Somcharoen nói với báo giới rằng, cuộc bỏ phiếu diễn ra suôn sẻ. Khoảng 20.000 cảnh sát đã được triển khai để bảo đảm an ninh. Với 80% số phiếu được kiểm, Reuters dẫn công bố của Ủy ban Bầu cử cho hay, 62% cử tri ủng hộ dự thảo hiến pháp, trong khi có 37,9% phản đối. Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vòng 3 ngày sau đó. Nếu chính thức được thông qua, đây sẽ bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932.
Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, ông sẽ không từ chức nếu cử tri bác bỏ hiến pháp và dù kết quả như thế nào thì cuộc tổng tuyển cử vẫn diễn ra vào năm tới. Sau khi bỏ phiếu ở tây bắc thủ đô Bangkok, ông khuyến khích người dân Thái tham gia sự kiện lịch sử này “để quyết định tương lai của đất nước”. Chính phủ quân sự, được gọi là Hội đồng Hòa bình và trật tự quốc gia, đã nghiêm cấm mọi chỉ trích đối với hiến pháp.
Các nhà chức trách đã bắt giữ, cáo buộc hàng chục người có những phát biểu chống lại hiến pháp, trong đó có các chính trị gia. Những người chỉ trích cho rằng, hiến pháp là bước thụt lùi của nền dân chủ, theo đó sẽ thúc đẩy quyền lực của quân đội, giúp quân đội nắm quyền thêm một vài năm nữa và làm chia rẽ đất nước. Song, chính phủ quân sự, nắm quyền vào tháng 5-2014 sau cuộc đảo chính lật đổ Thủ tướng Yingluck Shinawatra, khẳng định hiến pháp mới sẽ ngăn chặn tình trạng tham nhũng chính trị, mở ra kỷ nguyên mới của một nền chính trị trong sạch và mang lại sự ổn định cho đất nước.
Một trong những điều trong dự thảo hiến pháp gây tranh cãi nhiều nhất là việc cho phép chính phủ quân đội bổ nhiệm toàn bộ 250 ghế Thượng viện. 500 ghế Hạ viện được bầu theo tỷ lệ ghế đại diện tăng lên và số ghế bầu từ các cuộc bỏ phiếu cấp quận giảm xuống. Số ghế cho mỗi đảng cũng bị giới hạn. Hơn nữa, Thượng viện và Hạ viện cùng tham gia bầu chọn thủ tướng, mở ra triển vọng một tướng lĩnh quân đội có thể nắm quyền.
Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, em của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, đi bỏ phiếu trong ngày 7-8. Bà Yingluck bị cấm tham gia hoạt động chính trị trong 5 năm, kể từ tháng 1-2015, sau khi bị kết tội tắc trách trong chương trình trợ giá gạo cho nông dân. Bà cũng thúc giục cử tri đi bỏ phiếu. “Hôm nay là ngày rất quan trọng đối với Thái Lan, hãy đi bỏ phiếu”, bà Yingluck nói với báo giới. Trong khi đó, ông Thaksin gọi dự thảo hiến pháp là “sự điên rồ” chỉ nhằm thúc đẩy quyền lực của chính phủ quân sự.
Lần đầu tiên Thái Lan tổ chức trưng cầu ý dân về hiến pháp là vào năm 2007, tức một năm sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ Thủ tướng Thaksin. Các nhà lãnh đạo cuộc đảo chính năm 2014 nói rằng, xung đột bạo lực chính trị dẫn đến tình trạng khó kiểm soát đất nước và chính phủ quân sự cần mang đến sự ổn định cho quốc gia này.
Vì vậy, một ủy ban soạn thảo hiến pháp đã được thành lập nhằm thực hiện mục tiêu cải cách chính trị bằng việc loại trừ tham nhũng. Tuy nhiên, bản dự thảo hiến pháp bị cho là nhằm một mục đích khác: làm suy yếu các đồng minh của ông Thaksin, một nhân vật hiện vẫn có ảnh hưởng trên chính trường Thái Lan.
Dù Thủ tướng Prayuth khẳng định kết quả trưng cầu dân ý lần này không ảnh hưởng đến kế hoạch tổng tuyển năm 2017 nhưng nếu cử tri quay lưng với hiến pháp, bất ổn chính trị có thể lại xảy ra và quân đội sẽ nắm quyền vô thời hạn. Điều đó càng dẫn đến những bất đồng, chia rẽ, thậm chí hỗn loạn trong xã hội Thái Lan, một đất nước vốn có lịch sử bất ổn.
BÌNH YÊN