Đà Nẵng cuối tuần

Bầu cử Mỹ và trật tự thế giới

08:06, 07/08/2016 (GMT+7)

Thế giới đang chuẩn bị đối diện với một trong hai khả năng ở cuộc bầu cử tổng thống Mỹ: Donald Trump bất định và có vẻ “đồng bóng” hoặc Hillary Clinton kiên định và dễ dự báo. Các nhà phân tích chính trị thế giới cho rằng: Sẽ rất sáo rỗng khi nói rằng cuộc bầu cử lần này được chính phủ các nước, nhất là bộ trưởng ngoại giao, quan tâm nhiều hơn những lần trước. Có rất nhiều sự thật và bằng chứng phong phú cho thấy cuộc bầu cử 2016 không giống như những lần bầu cử trước đó, ít nhất là từ năm 1940 tới nay.

Đầu tiên là hai ứng cử viên. Hillary Clinton là nữ ứng cử viên tổng thống đầu tiên với hồ sơ hoạt động chính trị từ thời còn là sinh viên và có văn phòng làm việc chính thức từ năm 2001. Trong khi đó, Donald Trump không có bất cứ hoạt động xã hội và chính trị nào cùng với một loạt hành động tuyên bố phá sản để rồi tự nhận mình là doanh nhân thành đạt. Ông Trump là ứng cử viên thứ tư của Đảng Cộng hòa từ năm 1856 tới nay không hề có văn phòng chính trị. Trước đó là tướng Ulysses S. Grant nổi tiếng trong cuộc nội chiến đã giành thắng lợi ở cuộc bầu cử năm 1868; tướng Dwight D.

Eisenhower được biết nhiều tới ở Chiến tranh thế giới thứ hai đã thắng ở cuộc bầu cử năm 1952 và Wendell Willkie, luật sư kiêm giám đốc điều hành một công ty đã thất bại ở cuộc bầu cử năm 1940 với cách biệt khoảng 10%. Có thời điểm Trump dẫn trước Hillary ở những cuộc thăm dò dư luận là dấu hiệu cho thấy cử tri Mỹ ngày càng khó lựa chọn ở cuộc bầu cử tổng thống!? (Hiện tại thì bà Clinton đang dẫn lại 7 điểm phần trăm với tỷ lệ 46% so với 39% của ông Trump).

Thứ hai là các vấn đề mang tính quốc tế. Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra trong bối cảnh khủng bố trỗi dậy từ Pháp tới Philippines...; Trung Quốc đang ngày càng tạo ảnh hưởng, trong đó có cả việc gây bất ổn ở Biển Đông; nhiều nước cấm vận Nga vì cuộc chiến ở Ukraine; khủng hoảng người tị nạn khắp châu Âu; hậu quả của cái gọi là “Mùa xuân Ả Rập”; bất đồng giữa Mỹ và các đồng minh; biến đổi khí hậu, không gian mạng, năng lượng, thực phẩm, thương mại và đại dương. Rõ ràng, Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ sẽ đối diện với thế giới bất ổn hơn nhiều.

Cách tiếp cận “Nước Mỹ là số một” của Donal Trump bị cho là xa rời thực tiễn trong thế giới bất ổn như hiện tại. Cách nghĩ của ông về Nga, NATO, Mexico và người Hồi giáo không giống như chính sách ngoại giao của Mỹ trong nhiều thập niên qua. Hillary Clinton được cho là tiếp tục thực hiện đường lối có tính truyền thống của Mỹ với thế giới như thỏa thuận Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP và có thể theo đuổi chính sách ngoại giao của Tổng thống đương nhiệm Barack Obama bởi bà từng là Ngoại trưởng Mỹ ở nhiệm kỳ đầu của Obama.

ANH THƯ (Theo Livemint)

.