Quốc tế
Thổ Nhĩ Kỳ tấn công IS ở Syria
Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch pháo kích nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, trong động thái gia tăng các biện pháp an ninh ở khu vực biên giới sau vụ đánh bom đẫm máu làm 54 người chết hồi cuối tuần trước.
Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria trở nên căng thẳng sau vụ đánh bom đẫm máu ở thành phố Gaziantep. TRONG ẢNH: Người dân Thổ Nhĩ Kỳ đưa tang một nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc này. Ảnh: AFP |
Hãng AP cho biết, trong ngày tấn công thứ hai liên tiếp (ngày 23-8), quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn hàng loạt pháo nhằm vào các mục tiêu IS ở thị trấn Jarablus của Syria. Động thái này nhằm đáp trả sau khi 3 quả đạn súng cối từ Syria rơi trúng thị trấn biên giới Karkamis của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày gần đây gia tăng các biện pháp an ninh ở biên giới nhằm chống lại IS, lực lượng đang kiểm soát thị trấn Jarablus; đồng thời triển khai xe tăng và xe bọc thép ở khu vực này. Các nhà hoạt động Syria cho hay, hàng trăm tay súng ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ và phản đối Syria tụ tập ở Karkamis để chuẩn bị tấn công nhằm vào Jarablus. Ankara quan ngại về sự gia tăng sức mạnh của lực lượng người Kurd được Mỹ hậu thuẫn ở Syria, những người này bị cho là liên quan đến các nhóm người Kurd tiến hành nổi dậy ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Syria, một nhóm do người Kurd dẫn đầu, được gọi là Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), hồi đầu tháng 8 đã chiếm thị trấn Manbij từ tay IS. Điều này làm dấy lên những quan ngại cho Thổ Nhĩ Kỳ rằng, SDF sẽ chiếm toàn bộ vùng biên giới với Thổ. Trong lúc đó, Abdel-Sattar al-Jader, thủ lĩnh phiến quân liên quan đến SDF đã bị các tay súng không rõ danh tính bắn chết vào tối 22-8, ngay sau khi tuyên bố thành lập Hội đồng Quân sự Jarablus và cam kết bảo vệ người dân thị trấn này khỏi “sự khiêu khích” của Thổ. Trong một tuyên bố sau cái chết của al-Jader, Hội đồng Quân sự Jarablus cáo buộc các cơ quan an ninh Thổ đứng sau vụ việc này nhưng chưa có bình luận gì từ phía Ankara.
Vụ đánh bom ở thành phố Gaziantep đêm 20-8 vừa qua là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong lịch sử hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara hiện cáo buộc IS và các chiến binh người Kurd là thủ phạm. Hãng AFP dẫn lời Rami Abdul Rahman, người đứng đầu Cơ quan Quan sát nhân quyền Syria nói rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tấn công các mục tiêu IS ở Syria nhằm ngăn chặn lực lượng được sự ủng hộ của người Kurd từ Manbij tiến về Jarablus. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trước đó cũng khẳng định rằng, khu vực biên giới phải được “làm sạch hoàn toàn” các chiến binh thánh chiến.
Cũng theo AFP, với chiến dịch lần này, Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng những dấu hiệu về sự thay đổi mang tính bước ngoặt của chính sách ngoại giao. Ankara luôn kêu gọi Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ chức để chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 5,5 năm ở quốc gia Trung Đông này và điều này làm Ankara đối đầu với Nga và Iran, những nước ủng hộ ông Assad.
Tuy nhiên, cuối tuần qua, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim lần đầu tiên thừa nhận rằng, ông Assad có thể ở lại trong quá trình chuyển tiếp chính trị. Ngày 22-8, ông Yildirim còn thúc giục các cường quốc thế giới, trong đó có Nga, Iran và Mỹ, phối hợp với nhau để nhanh chóng mở ra “một trang mới” cho cuộc khủng hoảng ở Syria. “Tất cả các bên cần cùng nhau ngăn chặn sự đổ máu ở Syria”, ông Yildirim nói. Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đến thủ đô Ankara ngày 24-8 để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và Syria là vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của ông.
Hãng AFP cho biết, Lầu Năm Góc cảnh báo chính phủ Syria rằng, Mỹ sẵn sàng bắn hạ bất kỳ máy bay nào đe dọa lực lượng liên quân do Washington dẫn đầu ở bắc Syria, nhưng không tuyên bố vùng cấm bay. Cảnh báo nói trên được người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook đưa ra sau khi các máy bay của chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad nhằm vào các lực lượng người Kurd và cố vấn liên quân chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở thành phố đông bắc Hasakeh. |
BÌNH YÊN