Quốc tế
ASEAN kêu gọi không gia tăng căng thẳng ở Biển Đông
Tuyên bố Chủ tịch của Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 28-29 kêu gọi tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các trưởng đoàn thực hiện nghi thức tại lễ kỷ niệm 25 năm quan hệ Đối thoại ASEAN - Trung Quốc. Ảnh: TTXVN |
Ngày 7-9, Hội nghị cấp cao ASEAN tại Lào ra Tuyên bố Chủ tịch, tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây và đang diễn ra trên Biển Đông; cho rằng việc tôn tạo, bồi đắp và gia tăng các hành động tại vùng biển này làm xói mòn lòng tin, có thể gây phương hại tới hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Tuyên bố kêu gọi tránh các hành động có thể làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi việc giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Hội nghị giữa các nhà lãnh đạo ASEAN và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 7-9 diễn ra suôn sẻ. ASEAN và Trung Quốc đã thông qua bộ nguyên tắc chỉ đạo về đường dây nóng của các nhà ngoại giao cấp cao giữa hai bên nhằm giải quyết những tình huống khẩn cấp trên biển. Hai bên ra tuyên bố chung, nhất trí áp dụng Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES), một thỏa thuận quốc tế đạt được năm 2014 nhằm giảm nguy cơ xảy ra các vụ va chạm ở Biển Đông.
Tuy nhiên, vài giờ trước khi cuộc hội đàm nói trên diễn ra, Bộ Quốc phòng Philippines công bố những bức ảnh và bản đồ cho thấy Trung Quốc gia tăng số tàu hiện diện gần bãi cạn Scarborough. Theo giới chức Philippines, các bức ảnh cho thấy, Trung Quốc bắt đầu bí mật xây đảo nhân tạo tại bãi Scarborough. Cụ thể, các bức ảnh chụp các tàu của Trung Quốc mà Philippines cho là có thể nạo vét cát hoặc tiến hành các hoạt động khác nhằm xây dựng một đảo nhân tạo ở bãi Scarborough.
Manila bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về điều này và yêu cầu Đại sứ Trung Quốc giải thích. 10 bức ảnh và bản đồ đã được gửi qua email tới các nhà báo. “Chúng tôi có lý do để tin rằng sự hiện diện của các tàu là dấu hiệu chuẩn bị hoạt động xây dựng trên bãi này”, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Philippines Arsenio Andolong nói với hãng AFP.
Song, phía Trung Quốc phủ nhận việc số tàu của nước này xuất hiện nhiều bất thường ở khu vực tranh chấp. Hãng AP cho biết, tại thủ đô Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định Bắc Kinh không làm điều gì thay đổi hiện trạng vùng biển tranh chấp.
Một quan chức cấp cao Trung Quốc bày tỏ tin tưởng Bắc Kinh có thể trở lại mối quan hệ tốt đẹp với Manila. “Trong 30 năm qua, mối quan hệ rất suôn sẻ. Chỉ một vài năm trở lại đây, vì một số vấn đề nên mối quan hệ bị ảnh hưởng”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân phát biểu tại Lào.
Mỹ, đồng minh của Philippines, nhắc lại rằng Washington không muốn một cuộc chiến trên bãi cạn. Song, các nhà phân tích an ninh không loại bỏ nguy cơ xung đột quân sự nếu Trung Quốc bắt đầu xây dựng một đảo nhân tạo ở bãi Scarborough.
Cũng trong ngày 7-9, một trợ lý của Tổng thống Mỹ Barack Obama xoa dịu tình hình sau khi Philippines công bố những bức ảnh nói trên. Trao đổi với báo giới, người trợ lý này nói rằng, Mỹ không phát hiện bất kỳ hoạt động bất thường nào ở bãi Scarborough.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trước đó cho hay, ông không muốn làm Trung Quốc tức giận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ tại Hội nghị cấp cao ASEAN ở Lào. Tuy nhiên, Philippines đã công bố hình ảnh chỉ trước vài giờ ông Duterte và các nhà lãnh đạo khác thuộc khối ASEAN gặp gỡ Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Không những thế, Philippines và Singapore đã đề cập vấn đề tranh chấp tại hội nghị. Tại các hội nghị ở Lào, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA), đồng thời nhấn mạnh phán quyết có tính ràng buộc pháp lý.
PHÚC NGUYÊN