Quốc tế

EU đang trong "tình trạng nghiêm trọng"

08:26, 17/09/2016 (GMT+7)

Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Liên minh châu Âu (EU) đang rơi vào “tình trạng nghiêm trọng” trong lúc các nhà lãnh đạo liên minh này nhóm họp tại Bratislava (Slovakia) để xây dựng lại niềm tin sau cuộc bỏ phiếu gây sốc của người dân Anh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel đến tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bratislava.          Ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel đến tham dự hội nghị thượng đỉnh tại Bratislava. Ảnh: AP

Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của EU lần này, các nhà lãnh đạo EU bàn thảo việc xây dựng lại niềm tin trong EU và nhìn về tương lai của khối gồm 27 thành viên với một “bản đồ Bratislava” mới. Kết quả cuộc trưng cầu dân ý của Anh diễn ra hồi tháng 6 vừa qua không được đặt lên bàn nghị sự và Thủ tướng Anh Theresa May không tham dự hội nghị nhưng có những hoài nghi rằng, vấn đề Brexit sẽ “phủ bóng” lên Bratislava.

Phát biểu với báo giới khi đến Bratislava, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh: “Chúng ta đang trong tình trạng nghiêm trọng. Chúng ta phải thể hiện bằng các hành động của mình để cho thấy chúng ta có thể tốt hơn”. Bà cho rằng, EU cần cải thiện trong lĩnh vực an ninh trong và ngoài khối, đấu tranh chống khủng bố, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng.

Tổng thống Pháp Francois Hollande đề cập “bản đồ Bratislava” và nói rằng, bản đồ này bao gồm 3 vấn đề đơn giản để giúp khôi phục niềm tin của công dân trong dự án châu Âu. “Bảo vệ, tức chỉ an ninh; chuẩn bị cho tương lai, tức có thể có quyền lực lớn trên quy mô toàn cầu về kinh tế và tạo ra việc làm; và cuối cùng là mang lại niềm hy vọng cho người trẻ”, ông Hollande nói. Theo Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras: “Châu Âu nên ngừng mộng du trong sự sai lệch hướng”. Từ sự kiện Bratislava lần này, những đề xuất cụ thể hơn sẽ được trình hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào tháng 3-2017.

Trong khi đó, theo BBC, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk kêu gọi các nhà lãnh đạo EU có cái nhìn “tỉnh táo và trung thực” khi xem xét các vấn đề của khối trong làn sóng chấn động sau khi Anh bỏ phiếu rời liên minh. Các quan chức cho biết, ông Tusk xem tình trạng nhập cư là vấn đề chính cần giải quyết.

Trong một tuyên bố trước thềm hội nghị, ông Tusk nói rằng, sự thật là châu Âu đã bị sốc bởi “mọi loại khủng hoảng” trong thời gian gần đây và EU nên tiến hành “chẩn đoán thực tế về các nguyên nhân Brexit”. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo EU khẳng định với công dân trong nước rằng, liên minh đã “học những bài học từ Brexit” và có thể “mang lại sự ổn định cũng như cảm giác an toàn”.

Người đứng đầu Hội đồng châu Âu bày tỏ hy vọng 27 thành viên EU thể hiện tình đoàn kết sau sự kiện Brexit. Ông Tusk cũng muốn khôi phục một EU ổn định và đáng tin cậy khi đối mặt với cuộc khủng hoảng nhập cư và khủng hoảng nợ công. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU chia rẽ xung quanh việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu (eurozone), cũng như cách phản ứng với dòng người nhập cư; trong khi cử tri của họ thì hoài nghi.

Giới quan sát nhận định: tại Bratislava, các lãnh đạo EU sẽ quyết tâm tìm sự đồng thuận để tăng cường an ninh nội khối nhằm chống khủng bố và củng cố an ninh biên giới chung, từ đó giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư. Song, chủ trì hội nghị - Thủ tướng Slovakia Robert Fico là một trong những nhà lãnh đạo thuộc nhóm Trung và Đông Âu phản đối hạn ngạch phân bổ người nhập cư áp đặt cho các nước thành viên EU. Ông Fico nói rằng, Slovakia sẽ không chấp nhận “một người nhập cư Hồi giáo”. Theo Reuters, Thủ tướng Merkel đã thất bại khi không thuyết phục được các nước Đông Âu như: Ba Lan, Hungary, Cộng hòa Czech và Slovakia chấp nhận hạn ngạch phân bổ nói trên.

Ngày 16-9, Reuters dẫn lời Phó Thủ tướng Bulgaria Rumiana Bachvarova cho biết, chính phủ đã đề nghị Ủy ban châu Âu viện trợ 160 triệu euro (180 triệu USD) để giúp bảo vệ biên giới nước này và ngăn chặn dòng người nhập cư tràn vào lãnh thổ. Hơn 1 triệu người chạy trốn xung đột, nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi đã đến châu Âu vào năm ngoái. Bulgaria nói rằng, người nhập cư tràn vào lãnh thổ gia tăng trở lại kể từ tháng 6 vừa qua. Nước nghèo nhất trong EU đã xây dựng hàng rào và đưa binh sĩ đến biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ để hỗ trợ EU khi cần thiết trong việc bảo vệ biên giới.

THIÊN BÌNH

.