Quốc tế

Tìm giải pháp về khủng hoảng tị nạn và xung đột Syria

08:09, 19/09/2016 (GMT+7)

Hôm nay (19-9, giờ New York, Mỹ), phiên họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) khai mạc tại New York để tìm giải pháp đối với hai vấn đề nan giải, cũng là nội dung chính được bàn thảo: cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất kể từ sau Thế chiến thứ hai và cuộc xung đột ở Syria bước vào năm thứ 6 với hơn 300.000 người chết.

Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28-9-2015. 	                                          Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama phát biểu tại cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 28-9-2015. Ảnh: AP

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, người rời cương vị vào ngày 31-12 tới, và Tổng thống Mỹ Barack Obama rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017, sẽ phát biểu trước Đại hội đồng LHQ - cơ quan gồm 193 thành viên - lần cuối cùng. Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ phát biểu sau hơn 3 tháng xứ sở sương mù bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU).

Theo AP, nhiều vấn đề khác cũng được đặt ra: căng thẳng sắc tộc và tôn giáo, xung đột xảy ra khắp nơi ở Trung Đông và châu Phi, các cuộc tấn công của Hồi giáo cực đoan trên khắp thế giới, tình trạng hành tinh đang ấm lên, người kế nhiệm ông Ban Ki-moon, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ... Tuần trước, Đại sứ Mỹ Samantha Power đề cập những bất ổn từ việc Anh bỏ phiếu rời EU, mối đe dọa từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), các cuộc tấn công do IS và các nhóm khủng bố khác thực hiện.

Song, vấn đề Syria, với lệnh ngừng bắn do Nga và Mỹ hậu thuẫn có hiệu lực từ ngày 12-9 vừa qua, vẫn là nội dung chính hàng đầu trong phiên họp của Đại hội đồng LHQ. Vụ liên quân do Mỹ đứng đầu không kích vào vị trí của quân đội Syria ngày 17-9 làm nhiều binh sĩ thương vong có thể hủy hoại thỏa thuận ngừng bắn vốn mong manh. Ngày 18-9, theo yêu cầu của Nga, Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn để bàn về vụ không kích này. Mátxcơva yêu cầu Washington giải thích đầy đủ và chi tiết trước Hội đồng Bảo an LHQ. Đại sứ Nga Vitaly Churkin cho rằng, đây là thời điểm quan trọng để nỗ lực mang lại hòa bình cho Syria và đấu tranh chống khủng bố. Theo đó, Mỹ có thể chờ đợi cho đến khi Mátxcơva và Washington bắt đầu hợp tác tập trận quân sự chung trong 2 ngày thay vì có hành động “liều lĩnh”.

Hãng AP cho biết, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng mời các nhà lãnh đạo thế giới tham dự hội nghị thượng đỉnh về tị nạn và di cư lần đầu được tổ chức vào ngày 19-9. Theo Văn phòng Cao ủy LHQ về tị nạn, tính đến cuối năm 2015, có 65,3 triệu người mất nhà cửa, tăng hơn 5 triệu người so với năm trước đó và đây là con số cao nhất kể từ Thế chiến thứ hai.

Ngày 20-9, theo lời kêu gọi của Tổng thống Obama, hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của ít nhất 45 nước sẽ diễn ra nhằm đáp ứng các mục tiêu của Mỹ: gia tăng viện trợ nhân đạo khoảng 3 tỷ USD, tăng gấp đôi tái định cư, tăng việc tiếp cận giáo dục đối với 1 triệu thanh niên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu người.

Đại sứ Mỹ Samantha Power nói rằng, các nhà lãnh đạo sẽ không giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn ngay trong ngày 20-9 nhưng sẽ thể hiện thiện chí chính trị đối với vấn đề này.

PHÚC NGUYÊN

.