Việc Nhà vua Thái Lan Bhumibol Adulyadej qua đời cộng thêm sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khiến giới quan sát quốc tế cho rằng, chính sách xoay trục sang châu Á của Mỹ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn thời gian tới.
Binh sĩ Philippines và Mỹ tham gia cuộc tập trận không quân bên trong căn cứ huấn luyện quân sự ở Fort Magsaysay, phía bắc Manila. Ảnh: AFP |
Nhà vua Bhumibol Adulyadej có thời gian tại vị tới 7 thập niên là người đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố mối quan hệ đồng minh lâu dài giữa Mỹ và Thái Lan sau Thế chiến thứ hai. Đây cũng là quan hệ đồng minh mà Washington vẫn xem là trọng yếu trong việc duy trì ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Nhà vua Thái Lan qua đời vào thời điểm chính sách tái cân bằng về an ninh và ngoại giao của Mỹ tập trung vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang có nhiều điều nao núng.
Yếu tố trọng tâm về kinh tế trong chính sách tái cân bằng này là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang bị ách lại tại Quốc hội Mỹ khi không có bất cứ sự bảo đảm nào cho thấy Tổng thống Barack Obama có thể thông qua nó trước khi mãn nhiệm kỳ. Trong khi đó, cả hai ứng cử viên tổng thống dự kiến kế nhiệm Tổng thống Obama là bà Hillary Clinton và ông Donald Trump đều khẳng định họ phản đối TPP.
Các chính sách hợp tác an ninh của chính phủ Tổng thống Obama với khu vực Đông Nam Á được tăng cường trong bối cảnh đối phó với các tuyên bố chủ quyền vô lý của Trung Quốc tại Biển Đông. Tuy nhiên, sau một loạt tuyên bố “quay lưng” với Mỹ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte gần đây, những nghi ngờ bắt đầu khởi lên về mối quan hệ quân sự giữa Mỹ và Manila.
Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á khác như Indonesia và Malaysia đều đang tập trung vào các vấn đề chính trị nội bộ của họ. Một đồng minh khác của Mỹ trong khu vực là Úc cũng đang có những bước đi rất thận trọng để tránh gây ảnh hưởng đến các quan hệ kinh tế với Bắc Kinh.
Thực tế, kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014, Thái Lan cũng đã tạm lánh xa các vấn đề khu vực như cách để duy trì ổn định chính trị của đất nước. Dự kiến các chính sách sắp tới của Thái Lan sẽ tiếp tục “thu vào bên trong” nhiều hơn nữa trong thời gian quốc tang kéo dài sau khi Nhà vua Bhumibol Adulyadej qua đời.
Con trai của Nhà vua Bhumibol Adulyadej, Thái tử Maha Vajiralongkorn, sẽ nối ngôi cha. Không giống cha là người sinh tại thành phố Cambrigde, bang Massachusetts (Mỹ), Thái tử Maha Vajiralongkorn không có mối quan hệ chặt chẽ với Washington.
Mặc dù Nhà Trắng chỉ trích cuộc đảo chính năm 2014 tại Thái Lan nhưng vẫn duy trì quan hệ với Bangkok, đặc biệt thông qua chương trình tập trận quân sự chung thường niên có tên gọi “Hổ mang vàng”. Ông Murray Hiebert thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Washington cho rằng, kể từ khi Tổng thống Obama công bố chính sách xoay trục vào năm 2011, đến nay đã có quá nhiều thay đổi. “Sự qua đời của nhà vua Thái tiếp thêm sự thiếu chắc chắn tại Đông Nam Á, một khu vực vốn đã thay đổi rất nhiều trong thời gian qua. Điều này khiến chính sách tái cân bằng sang châu Á của Mỹ khó khăn hơn vì tình hình tại nhiều quốc gia hiện đều ở thế chờ xem sao”, ông Hiebert nhận định.
Chính Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius mới đây cho rằng: “Indonesia hiện chỉ tập trung các vấn đề đối nội… Thái Lan cũng đang rất chuyên chú việc trong nước, trong khi Malaysia vẫn đang rối ren với một cuộc khủng hoảng chính trị. Tôi không biết chính xác Philippines định đi theo hướng nào; Singapore có rất nhiều nhà tư tưởng chiến lược nhưng đó cũng chỉ là một quốc gia thành phố. Tôi không nghĩ là có thể phụ thuộc được vào Lào, Campuchia hay Myanmar để có thể tạo ra được động lực chiến lược cho khu vực ASEAN”.
Chuyên gia Hiebert cho rằng, các nước châu Á vẫn hào hứng với chính sách xoay trục của Mỹ, căn cứ vào những bất an của họ trước người láng giềng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhịp độ của chính sách này chắc chắn sẽ giảm đà trong bối cảnh hiện nay. Điều đó cũng cho thấy việc tái khởi động lại chính sách này sẽ là một nhiệm vụ khó khăn sau khi ông Obama rời nhiệm sở.
TRẦN ĐẮC LUÂN