.

Pháp dọn dẹp rừng tị nạn Calais

.

Pháp bắt đầu đưa hàng ngàn người tị nạn ra khỏi thị trấn tồi tàn gần cảng Calais trước khi phá dỡ các lán trại. Những người nhập cư trái phép này đã đến nơi đây để chờ cơ hội sang Anh tìm cuộc sống tốt đẹp hơn.

Những người di cư xếp hàng chờ lên xe buýt để đến các trung tâm tị nạn.      Ảnh: AP
Những người di cư xếp hàng chờ lên xe buýt để đến các trung tâm tị nạn. Ảnh: AP

Khu lán trại nhếch nhác và bẩn thỉu Calais, còn gọi là “rừng Calais”, nơi có từ 6.000 - 8.000 người tị nạn tạm trú bất hợp pháp, được xem là biểu tượng cho sự thất bại của Liên minh châu Âu (EU) trong giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trong lịch sử, đồng thời làm mối quan hệ Pháp - Anh trở nên căng thẳng. Hầu hết những người tị nạn này đến từ châu Phi và Trung Đông do chạy trốn chiến tranh và nghèo đói. Song, các nhóm viện trợ ước tính có hơn 8.300 người tạm trú tại “rừng Calais”.

Hơn 1.200 cảnh sát đã được điều động để ngăn chặn bất ổn khi những người di cư bị buộc lên xe buýt để tiến hành đợt sơ tán quy mô lớn đến 300 trung tâm tị nạn trên khắp nước Pháp. Các nhà chức trách muốn đóng cửa các khu trại này - “điểm nóng” của người tị nạn - nhằm giảm căng thẳng khi xung đột thường xuyên xảy ra giữa cảnh sát với những người di cư vào ban đêm khi họ tìm cách chạy trốn và tìm đường đến Anh.

“Đây là hoạt động mà chúng tôi muốn diễn ra trong hòa bình và dưới sự kiểm soát”, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve nói. Ông Cazeneuve xác nhận những người tị nạn tạm trú tại “rừng Calais” sẽ được chuyển đến những nơi có điều kiện tốt hơn, trong đó ưu tiên phụ nữ, trẻ em và những người dễ bị tổn thương.

Theo đó, chiến dịch dọn dẹp “rừng Calais” chỉ diễn ra trong 3 ngày. Những người tị nạn được chia thành 4 nhóm để di chuyển gồm: gia đình, nam giới độc thân, trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Khoảng 2.000 - 2.500 người phải rời đi trong ngày 24-10.

Kéo hành lý qua những con đường lầy lội, một nhóm di cư hô vang: “Tạm biệt rừng”. Nhiều người đàn ông Sudan và Eritrea xếp hàng trong giá lạnh trước lúc bình minh để chuẩn bị lên xe buýt.

Hãng AFP dẫn lời Karhazi, một thanh niên trong số những người di cư cho biết: “Họ buộc chúng tôi phải rời đi. Chúng tôi muốn đến Anh”. Những người di cư đang tạm trú tại “rừng Calais” luôn nghĩ về viễn cảnh tốt đẹp nếu đến nước Anh. “Chúng tôi phải thuyết phục một số người chấp nhận chỗ ở và từ bỏ giấc mơ Anh. Đây là điều khó khăn nhất”, người đứng đầu Văn phòng nhập cư Pháp (OFII) Didier Leschi nói với AFP. Thực tế, nhiều người muốn đến nước Anh thay vì đến các khu tị nạn khác ở Pháp. Trước đó, đêm 23-10, họ phản ứng bằng việc đốt, đập phá đồ đạc, ném đá vào cảnh sát. Lực lượng cảnh sát đã dùng hơi cay để đáp trả lại.

Trước đó, Tòa hành chính của thành phố Lille yêu cầu trong quá trình giải tỏa, nhà chức trách Pháp không được đi ngược với nguyên tắc cấm đối xử vô nhân đạo với người tị nạn. Pháp sẽ chi 25 euro/ngày cho mỗi người di cư tại các trung tâm tiếp nhận tị nạn. Song, chưa rõ những người này được phép ở lại các trung tâm bao lâu.

“Rừng Calais” là một phần trong cuộc khủng hoảng nhập cư của châu Âu. Năm ngoái, hơn 1 triệu người di cư, hầu hết chạy trốn chiến tranh ở Syria, đã đến lục địa già cỗi này. Các nước đang đối mặt với dòng người ùn ùn kéo đến và sự chia rẽ cũng diễn ra trong các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) xung quanh hạn ngạch phân bổ tiếp nhận người tị nạn.

BÌNH YÊN

;
.
.
.
.
.