Quốc tế

Indonesia: Biểu tình ở Jakarta chưa có dấu hiệu giảm nhiệt

13:51, 05/11/2016 (GMT+7)

Đến 22 giờ 30 phút ngày 4/11, cuộc biểu tình ở Thủ đô Jakarta vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt khi lực lượng cảnh sát vẫn đang nỗ lực giải tán các đám đông.

Những người tham gia cuộc biểu tình. (Nguồn: AP)
Những người tham gia cuộc biểu tình. (Nguồn: AP)

Theo đăng ký trước đó, cuộc biểu tình chỉ được phép diễn ra đến 18 giờ ngày 4/11, ngay sau thời điểm này, cảnh sát đã bắt đầu can thiệp để trả lại trật tự cho đường phố của Thủ đô. Trước thái độ ngoan cố không chịu giải tán của đám đông ở khu vực Dinh Tổng thống , cảnh sát đã phải sử dụng hơi cay.

Đám đông bất chấp lời kêu gọi giải tán của cảnh sát để tiếp tục đổ về đường Medan Merdeka Barat, gần khu vực trung tâm và đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và những người biểu tình.

Những người biểu tình yêu cầu được gặp Tổng thống Jokowi để thương lượng nhưng họ chỉ được gặp Phó Tổng thống Jusuf Kalla.

Phản ứng trước yêu cầu không được đáp ứng, người biểu tình đã ném đá và chai lọ vào cảnh sát và tiếp tục đòi truy tố Thống đốc Jakarta Basuki Tjahaja Purnama, thường được gọi là Ahok, vì tội báng bổ kinh Koran.

It nhất 2 xe tải của cảnh sát đã bị đốt cháy trong sự hỗn loạn, 1 người đã bị thiệt mạng và nhiều người bị thương, trong đó có cả cảnh sát. Hơn 20 xe cứu thương được bố trí sẵn đã phải hoạt động, đưa những người thương vong ra khỏi hiện trường.

Ông Ahok, hiện đang tìm kiếm nhiệm kỳ thứ 2 trong vai trò Thống đốc Jakarta, rất được lòng tầng lớp trung lưu của thành phố. Ông được xem là người thích nói thẳng, không tha thứ cho nạn tham nhũng và mong muốn biến Jakarta thành một nơi sạch sẽ, trật tự, hiệu quả như Singapore.

Tuy nhiên gần đây ông bị các đối thủ theo đường lối cứng rắn cáo buộc có hành vi phỉ báng. Mặt trận những người bảo vệ Hồi giáo, một nhóm hoạt động mong muốn triển khai luật Shariah ở Indonesia, đã yêu cầu bắt giữ Ahok sau khi xuất hiện một đoạn video cho thấy ông pha trò trước các khán giả về một đoạn kinh Quran, với nội dung cấm người Hồi giáo chọn các cá nhân không theo Hồi giáo làm lãnh đạo. Ahok đã lên tiếng xin lỗi về hành động của mình và đã tới gặp cảnh sát, nhưng vẫn không thể xoa dịu được sự tức giận của đám đông.

Theo Vietnam+

.