Quốc tế

Thổ Nhĩ Kỳ xa EU, gần SCO

08:16, 23/11/2016 (GMT+7)

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng, nước ông không cần gia nhập Liên minh châu Âu (EU) “bằng mọi giá”, thay vào đó sẽ tham gia Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra không còn mặn mà với EU. 		 	             Ảnh: AFP
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra không còn mặn mà với EU. Ảnh: AFP

Triển vọng về việc Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tham gia EU dường như trở nên xa vời hơn hết sau 11 năm đàm phán. Báo Hurriyet dẫn lời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan phát biểu với báo giới trên đường trở về nước sau chuyến thăm Pakistan và Uzbekistan rằng, theo quan điểm của ông, Ankara không nhất thiết gia nhập EU “bằng mọi giá”. “Vì sao Thổ Nhĩ Kỳ không ở trong Thượng Hải 5?” Tôi đã nói điều này với ông Putin (Tổng thống Nga Vladimir Putin), với ông Nazarbayev (Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev), và với những ai hiện tham gia Thượng Hải 5”, ông Erdogan nói.

Thượng Hải 5, tức SCO, khối an ninh và kinh tế do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Trung Quốc, Nga và 4 nước Trung Á, bao gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, đã thành lập SCO vào năm 2001 nhằm chống lại các mối đe dọa của Hồi giáo cực đoan và buôn bán ma túy từ nước láng giềng Afghanistan. Trước khi kết nạp Uzbekistan vào năm 2001, khối này có tên Thượng Hải 5 và từ năm 2001 đổi tên thành SCO. Theo Reuters, nếu Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên SCO sẽ có thể là điều báo động đối với các đồng minh phương Tây và các thành viên khác trong NATO.

Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan nói ngôn ngữ Turkic. Năm 2013, Thổ Nhĩ Kỳ đăng ký làm đối tác đối thoại và nói rằng sẽ chia sẻ “cùng vận mệnh” với các thành viên trong khối SCO. Hiện nay, Mông Cổ, Ấn Độ, Iran, Pakistan và Afghanistan là các quan sát viên của SCO, trong khi Belarus và Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác đối thoại. Các đối tác đối thoại được tham gia các cuộc họp cấp bộ trưởng và các cuộc họp khác của SCO nhưng không có quyền bỏ phiếu.

Tuần trước, Tổng thống Erdogan thúc giục người dân Thổ Nhĩ Kỳ kiên nhẫn cho đến cuối năm nay xung quanh mối quan hệ giữa nước này với châu Âu. Ông cảnh báo EU cần quyết định trước cuối năm 2016 về việc kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ, nếu không Ankara sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề này. Thổ Nhĩ Kỳ chính thức xin gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán được bắt đầu vào năm 2005 nhưng đến nay vẫn chưa đâu vào đâu.  

Thực tế, EU đang chần chừ trong quan hệ với Thổ. EU cần Ankara tiếp tục hỗ trợ trong việc ngăn chặn dòng người nhập cư vào lục địa già cỗi này, nhất là người tị nạn từ Syria. Song, EU phản đối việc Thổ Nhĩ Kỳ trấn áp những người chống đối kể từ cuộc đảo chính bất thành ngày 15-7 vừa qua đến nay. Quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đặc biệt căng thẳng kể từ sự kiện này. Ankara cho rằng đã không nhận được sự ủng hộ đủ từ các đồng minh EU trong việc chống lại những người ủng hộ giáo sĩ Fethullah Gulen - hiện sống tại Mỹ và bị cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành, cũng như các nhóm khủng bố khác.

Trong chuyến thăm Ankara hồi tuần trước, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng, đối với việc gia nhập EU, quả bóng đang ở trong sân Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong lúc việc gia nhập EU bị trì hoãn, nhiều lần Tổng thống Erdogan có kế hoạch tham gia SCO, một động thái được cho là có thể hủy bỏ nỗ lực trở thành thành viên EU. Tuy nhiên, khi máy bay chiến đấu của Nga bị lực lượng không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi hồi tháng 11-2015, con đường vào SCO của Ankara trở nên u ám. Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev đã phải đứng ra làm trung gian cho một thỏa thuận giữa Ankara với Mátxcơva để giải quyết tranh chấp.

BÌNH YÊN

.