Quốc tế

TPP sẽ không kết thúc

08:09, 22/11/2016 (GMT+7)

Các nhà lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tổng thống Barack Obama nói rằng, việc ngừng TPP sẽ là sai lầm đối với Mỹ.

Các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đầy TPP. 				        		           Ảnh: Reuters
Các nhà lãnh đạo APEC cam kết thúc đầy TPP. Ảnh: Reuters

Tại phiên họp kết thúc hội nghị cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima của Peru ngày 20-11 (sáng 21-11, giờ Việt Nam), vấn đề thúc đẩy TPP được đặt ra trong lúc có những quan ngại rằng, thỏa thuận này sẽ kết thúc vì không được sự hậu thuẫn của Tổng thống Mỹ tương lai.

Tham dự hội nghị ở Peru là chuyến công cán nước ngoài cuối cùng của Tổng thống Barack Obama trước khi rời Nhà Trắng vào tháng 1-2017. Hãng Reuters dẫn lời ông cho rằng, việc ngừng TPP sẽ là một sai lầm đối với Mỹ. “Tôi không nghĩ việc thúc đẩy (TPP) sẽ hủy hoại vị thế của chúng tôi trên khắp khu vực và khả năng trong việc định hình quy luật thương mại toàn cầu theo cách phản ánh các giá trị và lợi ích của chúng tôi”, ông Obama phát biểu với báo giới tại phiên bế mạc APEC.

Tổng thống Obama đã đàm phán về TPP nhưng không thúc đẩy được Quốc hội thông qua hiệp định này trước khi ông mãn nhiệm. Trong lúc đó, người sắp kế nhiệm ông, Tổng thống đắc cử Donald Trump, tuyên bố sẽ rút khỏi TPP, thậm chí sẽ đàm phán lại nhiều hiệp định thương mại khác mà Mỹ đang tham gia.

Hiện có 12 nước tham gia TPP, bao gồm: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Thỏa thuận chính thức được các bộ trưởng từ 12 quốc gia này ký kết hồi tháng 2-2016 sau hơn 5 năm đàm phán.

Tại Lima, TPP là mối quan tâm lớn. Một số nhà lãnh đạo APEC đề nghị tiếp tục TPP mà không cần có Mỹ, nhưng một số khác yêu cầu hoàn tất việc đàm phán lại. Theo đó, các nhà lãnh đạo cam kết mở cửa thị trường và chống lại chủ nghĩa bảo hộ. “Chúng tôi tái khẳng định cam kết tiếp tục mở cửa thị trường và chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”, các nhà lãnh đạo 12 nền kinh tế APEC nhấn mạnh.

Các lãnh đạo cũng tuyên bố “chống lại những nhân vật theo chủ nghĩa bảo hộ và các biện pháp ảnh hưởng đến thương mại tự do, các nhân tố sẽ làm suy yếu thương mại và cản trở sự phục hồi cũng như phát triển của kinh tế thế giới”; đồng thời cam kết kiềm chế tình trạng phá giá đồng nội tệ của các nước. Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thể hiện rõ hơn với việc nước Anh bỏ phiếu chọn rời Liên minh châu Âu (EU).

Hãng Reuters cho biết, Trung Quốc không tham gia TPP và đang thúc đẩy một tầm nhìn khác về thương mại tự do ở châu Á, được gọi là Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). RCEP hiện không có Mỹ. Tan Jian, quan chức cấp cao của Trung Quốc trong phái đoàn tham dự hội nghị ở Lima, nói rằng có thêm các nước đang muốn gia nhập khối gồm 16 thành viên này, trong đó có Peru và Chile. Các thành viên muốn thúc đẩy thỏa thuận càng sớm càng tốt để chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng. Phái đoàn Trung Quốc muốn chống lại việc “chính trị hóa” các thỏa thuận thương mại và nói rằng, các thỏa thuận này không nên chỉ dành cho các nước giàu có.

Trong tuyên bố bế mạc, các nhà lãnh đạo APEC cho rằng, cả TPP lẫn RCEP đều là những con đường hợp lệ cho khu vực thương mại tự do mở rộng hơn của châu Á - Thái Bình Dương, với mục tiêu chiếm 57% kinh tế thế giới.

Tại thủ đô Lima của Peru ngày 20-11 (giờ địa phương), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump đã xác nhận với ông về việc sẵn sàng hàn gắn quan hệ. Song, ông Putin cũng cho biết sẽ chào đón Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama tại Nga.

“Tổng thống đắc cử xác nhận rằng, ông ấy sẵn sàng bình thường hóa quan hệ Nga - Mỹ. Tôi đã nói với ông ấy tương tự. Chúng tôi không thảo luận về địa điểm và thời gian hai bên sẽ gặp nhau”, Reuters dẫn lời Tổng thống Putin nói.

PHÚC NGUYÊN

.