Quốc tế
Tổng thống Mỹ Barack Obama: Châu Âu là khối thống nhất
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ lãnh đạo các nước châu Âu chủ chốt tại Đức, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh về tầm quan trọng của một châu Âu thống nhất và thúc giục khối này không nên xem thường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã được xây dựng trong nhiều thập niên.
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha đã gặp gỡ tại thủ đô Berlin để bàn về các vấn đề của châu Âu. Trong ảnh: Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) chào đón người đồng cấp Anh Theresa May. Ảnh: Getty Images |
Hãng AFP cho biết, Tổng thống Barack Obama gặp gỡ các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha tại thủ đô Berlin ngày 18-11. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Tổng thống sắp mãn nhiệm với lãnh đạo các nước châu Âu chủ chốt kể từ cuộc bầu cử ở Mỹ ngày 8-11 vừa qua. Chuyến thăm này của ông Obama được cho là nhằm khẳng định quan hệ liên minh giữa Mỹ và châu Âu trong lúc có nhiều quan ngại về chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Donald Trump đối với các nước phương Tây.
Tuyên bố của Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ: Các nhà lãnh đạo trao đổi quan điểm cởi mở và chính thức về những vấn đề quốc tế then chốt, như chiến dịch của liên minh do Mỹ dẫn đầu nhằm chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Iraq, cũng như khủng hoảng nhập cư ở châu Âu.
Khi đến Đức, Tổng thống Obama và Thủ tướng nước chủ nhà Angela Merkel đã bàn thảo về các vấn đề toàn cầu hóa và sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương. Các cuộc trao đổi phần lớn tập trung những nội dung: cuộc bầu cử tổng thống Mỹ với chiến thắng thuộc về ông Trump có ý nghĩa như thế nào trong các nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở Ukraine và Syria; sức mạnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), các thỏa thuận thương mại, nỗ lực chống biến đổi khí hậu…
Trên thế giới, nhiều nước đang nhìn vào Thủ tướng Merkel - một trong nhà lãnh đạo tại nhiệm lâu nhất của một cường quốc, đồng thời là nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn nhất châu Âu, một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ - khi ông Obama rời Nhà Trắng.
Trước những nghi ngại về liên minh giữa Mỹ và châu Âu, Tổng thống Obama nhấn mạnh về tầm quan trọng của một châu Âu thống nhất và thúc giục khối này không nên xem thường mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã được xây dựng trong nhiều thập niên qua. “Châu Âu vẫn là một trong những thành tựu về chính trị và kinh tế lớn của thế giới. Những thành tựu đó không nên bị xem thường”, Tổng thống Mỹ nói.
Thực tế, cuộc bầu cử ở Mỹ với chiến thắng thuộc về ứng cử viên của đảng Cộng hòa Donald Trump làm châu Âu lo lắng. Ông Trump vốn hoài nghi về lá chắn an ninh gần 70 năm tuổi của các đồng minh Mỹ trong NATO, đồng thời cam kết rút lui khỏi các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu và chương trình hạt nhân Iran. Song, Tổng thống Obama bày tỏ tin tưởng vào năng lực và thái độ nghiêm túc của chính phủ mới dưới thời ông Trump khi thực hiện các cam kết. Tổng thống đương nhiệm của Mỹ cũng hy vọng tính liên tục của mối quan hệ Mỹ - châu Âu sẽ được giữ vững dưới thời ông Trump.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, Tướng Petr Pavel cũng cho rằng, việc duy trì mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đã có 70 năm lịch sử, hiệp ước NATO có ý nghĩa chiến lược đối với Washington cũng như là các đồng minh và mang tính ràng buộc mà không tổng thống Mỹ nào dám thay đổi.
Theo AFP, các cuộc gặp ở Berlin diễn ra trong lúc Liên minh châu Âu (EU) đối mặt với những thách thức chưa từng có, đe dọa sự tồn tại của khối. Thủ tướng Anh Theresa May, người đang phải giải quyết “cú sốc” của quốc gia này sau khi người dân bỏ phiếu chọn Brexit, sẽ hội đàm về vấn đề này với Thủ tướng Merkel. Tổng thống Pháp Francois Hollande đang chèo chống với tỷ lệ tín nhiệm chỉ còn 4% - mức thấp kỷ lục trước thềm cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5-2017, cuộc bầu cử được cho là sẽ mang lại chiến thắng cho Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia (FN) Marine Le Pen. Trong khi đó, Thủ tướng Ý Matteo Renzi và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đang đương đầu với nợ công.
Về vấn đề Brexit, Tổng thống Obama kêu gọi Brussels và Anh làm việc với nhau để hướng đến “bảo đảm mối quan hệ kinh tế và chính trị chặt chẽ giữa Anh và EU”. Chính phủ Anh hiện vẫn loay hoay tìm lối thoát cho Brexit. Ông Trump ủng hộ việc Anh rời EU nhưng chưa rõ chính phủ mới của Mỹ sẽ ứng xử như thế nào trong vấn đề Brexit.
Hãng Reuters ngày 18-11 dẫn lời người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama có thể hội đàm chính thức bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thủ đô Lima của Peru vào cuối tuần này. Trong lúc đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, căng thẳng trong quan hệ giữa nước này và Mỹ không mang lại lợi ích của người dân Mỹ cũng như việc giải quyết các vấn đề trên thế giới hiện nay. |
PHÚC NGUYÊN