Quốc tế

Trung Quốc muốn "chuyển giao suôn sẻ" quan hệ với Mỹ

08:20, 21/11/2016 (GMT+7)

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi “chuyển giao suôn sẻ” quan hệ giữa Bắc Kinh với Washington, đồng thời ca ngợi Tổng thống sắp mãn nhiệm Barack Obama đã thúc đẩy mối quan hệ song phương này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama (bìa phải) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) ở thủ đô Lima của Peru.  						            Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama (bìa phải) gặp gỡ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (bìa trái) ở thủ đô Lima của Peru. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có cuộc gặp gỡ lần cuối cùng bên lề hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở thủ đô Lima của Peru ngày 19-11 (ngày 20-11, giờ Việt Nam). Đây là cuộc gặp lần thứ 9 giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi ông Obama tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm 2009.

Hãng AFP cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gọi giai đoạn sau khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ là “thời điểm bản lề” trong quan hệ giữa hai cường quốc. Trước báo giới, tuy không đề cập trực tiếp đến ông Trump (chỉ dùng từ “ngài Tổng thống”), nhưng Chủ tịch Trung Quốc bày tỏ hy vọng “chuyển giao suôn sẻ” mối quan hệ mà ông Obama vốn mô tả là “quan trọng nhất thế giới”.

“Chúng tôi gặp nhau giữa thời điểm bản lề trong quan hệ Trung Quốc - Mỹ”, ông Tập Cận Bình phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp. Nhà lãnh đạo của cường quốc châu Á này mong muốn Trung Quốc và Mỹ sẽ làm việc với nhau để tập trung hợp tác, tháo gỡ những khác biệt và bảo đảm “chuyển giao suôn sẻ” quan hệ.

Tổng thống Obama cũng nhấn mạnh muốn dùng cơ hội này để xây dựng quan hệ song phương bền vững và hiệu quả hơn. “Tôi vẫn tin rằng, quan hệ mang tính xây dựng Mỹ - Trung mang lại lợi ích cho người dân hai nước và toàn cầu”, ông Obama nói.

Dưới thời Tổng thống Obama, việc thúc đẩy hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra chậm chạp. Hai nước cố gắng hạn chế hậu quả của các tranh chấp khi cạnh tranh sức ảnh hưởng đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, cả ông Obama lẫn ông Tập Cận Bình đều thúc đẩy hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump có quan điểm cứng rắn chống lại Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông cáo buộc Bắc Kinh thao túng tiền tệ và cam kết áp đặt mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Ông còn cho rằng, hiệp định chống biến đổi khí hậu là “trò lừa bịp” được tạo ra nhằm có lợi cho Bắc Kinh.

Chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử vừa qua làm gia tăng nghi ngại về việc Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận chống biến đổi khí hậu vốn được cho là “thành tựu then chốt trong di sản” của ông Obama.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã hỗ trợ đàm phán về thỏa thuận hạt nhân với Iran - một thành tựu lớn khác trong chính sách ngoại giao của Tổng thống Obama. Tuy nhiên, ông Trump dọa hủy bỏ thỏa thuận này.

Tại Peru, ông Tập Cận Bình bày tỏ mong muốn làm việc với ông Trump để “mở rộng hợp tác song phương, khu vực và toàn cầu; kiểm soát những khác biệt, cùng đạt được những thắng lợi mà không có xung đột hay đối đầu và tôn trọng lẫn nhau”.

Theo Reuters, tại cuộc gặp, Tổng thống Obama cũng thúc giục các bên liên quan đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giảm căng thẳng và giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Hội nghị thượng đỉnh APEC với sự tham dự của 21 nguyên thủ quốc gia thành viên được khai mạc vào ngày 20-11 (giờ Peru).

Hãng AP cho biết, tại Peru, Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các nhà lãnh đạo thế giới tiếp tục thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 thành viên đều là những nền kinh tế trong APEC.

Những nỗ lực của Tổng thống Obama trong việc kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua TPP trước khi ông rời Nhà Trắng không thành công. Tổng thống đắc cử Donald Trump phản đối TPP, làm dấy lên quan ngại đối với tương lai của hiệp định khi ông tiếp quản Nhà Trắng.

Cũng tại Peru, các nhà lãnh đạo 12 nước tham gia TPP nhấn mạnh tầm quan trọng của hiệp định cả về kinh tế lẫn chiến lược trong việc bảo đảm sự ổn định và thịnh vượng của khu vực.

VĨNH AN

.