Quốc tế

Nhật - Nga tìm cách hàn gắn bất đồng

07:59, 16/12/2016 (GMT+7)

Cuộc gặp gỡ giữa Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Nagato ngày 15-12 được kỳ vọng sẽ giúp hai nước hàn gắn bất đồng xung quanh vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Đây là chuyến thăm chính thức Nhật Bản đầu tiên của ông Putin kể từ năm 2014 đến nay.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ tại Nagato, tỉnh Yamaguchi. 							Ảnh: AFP
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gặp gỡ tại Nagato, tỉnh Yamaguchi. Ảnh: AFP

Trước đó, có nhiều dự đoán về kết quả cuộc gặp giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Vladimir Putin, bởi vấn đề tranh chấp lãnh thổ đã làm đình trệ hiệp ước hòa bình chính thức kết thúc tình trạng đối đầu trong Thế chiến thứ hai giữa hai nước; đồng thời cản trở mối quan hệ song phương suốt 70 năm qua.

Reuters cho biết, tại khu nghỉ dưỡng Nagato, tỉnh Yamaguchi, miền tây Nhật Bản lần này, cả hai nhà lãnh đạo đều mong muốn hàn gắn bất đồng và thúc đẩy hiệp ước hòa bình, mặc dù tranh chấp liên quan đến nhóm đảo ở tây Thái Bình Dương (Nga gọi là đảo Kuril, Nhật gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc) không dễ tháo gỡ.

Hãng AFP dẫn lời Tổng thống Putin rằng, ông muốn chấm dứt “sự lỗi thời” của hai nước không có hiệp ước hòa bình trong Thế chiến thứ hai. “Nhưng để làm được điều này là một câu hỏi khó”, ông Putin phát biểu với báo chí Nhật Bản ngay trước thềm chuyến thăm.

Đến Nagato, Tổng thống Putin đã nói với Thủ tướng Abe rằng, những nỗ lực của người đứng đầu chính phủ Nhật đã dẫn đến “sự thay đổi rõ rệt trong mối quan hệ” và ông hy vọng cuộc gặp gỡ sẽ “đóng góp đáng kể trong việc phát triển mối quan hệ Nga - Nhật”.

Trong khi đó, ông Abe cam kết giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ với hy vọng xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga nhằm đối phó một Trung Quốc đang trỗi dậy. Chính người cha quá cố của ông Abe là Shintaro đã dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nga khi ông giữ cương vị Ngoại trưởng. Song, ông Shintaro đã qua đời vào năm 1991 sau khi thúc đẩy việc đàm phán.

Theo Reuters, chuyến thăm Nhật lần này của Tổng thống Putin có thể mang đến cho ông nhiều rủi ro, bởi bất kỳ sự nhượng bộ nào trong việc giải quyết tranh chấp đảo cũng sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh của ông ở trong nước. Trong khi đó, quần đảo Kuril có giá trị chiến lược đối với Nga, bảo đảm cho hoạt động của Hải quân Nga ở tây Thái Bình Dương.

Cố vấn của Thủ tướng Abe, Yasutoshi Nishimura, dù xác nhận với hãng Reuters rằng trở ngại vẫn còn nhiều nhưng cả ông Abe lẫn ông Putin đều là những nhà lãnh đạo mạnh mẽ. Vì vậy, vị cố vấn này bày tỏ hy vọng “con đường phía trước sẽ xuất hiện”.  

Nga cũng hy vọng sẽ đạt được thỏa thuận với các công ty của Nhật Bản, đồng thời xem đây là sự đáp trả đối với các chính phủ phương Tây và cả Tokyo, vì đã áp đặt trừng phạt lên Mátxcơva từ năm 2014 xung quanh cuộc khủng hoảng ở Ukraine.

Trong tuần này, ông Putin nói với báo Yomiuri rằng, sẽ khó tiến đến hiệp ước hòa bình nếu Nga vẫn bị Nhật trừng phạt. Song, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Hiroshige Seko bác bỏ việc hợp tác kinh tế với Nga bởi “cái bắt tay” như vậy sẽ hủy hoại sự thống nhất của G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới) trong các biện pháp trừng phạt.

Theo các nhà quan sát, dù hai nhà lãnh đạo đã đưa ra nhiều thông điệp về sự hòa giải nhưng quan hệ Nhật - Nga vẫn khó “tan băng” thật sự. Hơn nữa, nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc khôi phục quan hệ với Nga từng làm Mỹ lo lắng. Tuy nhiên, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại muốn Mỹ - Nga “tan băng”, điều này có thể giảm áp lực đối với ông Abe trong việc “cài đặt” quan hệ với Mátxcơva nhưng cũng chưa thể khẳng định rằng hiệp ước hòa bình đang trong tầm tay.

Hôm nay (16-12), Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin sẽ tiếp tục gặp gỡ tại thủ đô Tokyo.

PHÚC NGUYÊN

.