Quan sát & Bình luận
Nga - Nhật có đột phá về hiệp ước hòa bình?
Chuyến thăm chính thức Nhật Bản ngày 15-12 của Tổng thống Nga Vladimir Putin đang thu hút sự chú ý của giới quan sát và dư luận quốc tế, trong lúc hai nước có những bất đồng xung quanh việc tranh chấp lãnh thổ.
Thế chiến thứ hai kết thúc đã 70 năm nhưng Nga - Nhật vẫn chưa thể ký kết hiệp ước hòa bình do tranh chấp chủ quyền 4 đảo trên Thái Bình Dương hiện do Nga kiểm soát và gọi là Kuril, trong khi Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc. Tokyo muốn Mátxcơva trả lại các hòn đảo này.
Một thăm dò gần đây cho thấy 78% người Nga phản đối việc trả lại cho Nhật cả 4 đảo; 71% chống lại việc giao trả 2 đảo nhỏ là Shikotan và Habomai. Tháng 11-2016 ông Dmitry Kiselev, lãnh đạo ngành tuyên truyền tại Nga cho rằng: “Ở Nga, bất kỳ tổng thống nào, kể cả ông Putin, nếu trả 2 đảo ở Kuril cho Nhật thì sẽ bị mất lòng dân thê thảm”. Ông Anatoli Koshkin, chuyên gia tại Đại học Phương Đông Mátxcơva bình luận: “Người Nhật thích nói về giữ thể diện, nhưng họ quên rằng người Nga cũng không muốn bị mất mặt”.
Một yếu tố khác không kém phần quan trọng, quần đảo Kuril kiểm soát ngõ ra vào từ biển Okhotsk của Nga ra Thái Bình Dương. Theo ông Shigeru Ishiba, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Kuril là “vấn đề sinh tử” cho Hải quân Nga. Vì vậy, hai bên đã có những cuộc gặp để tìm lối thoát cho những bất đồng, tiến tới ký kết hiệp ước hòa bình nhằm tằng cường các mối quan hệ song phương, nhất là thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhưng rồi lại rơi vào bế tắc.
Ngày 3-9 vừa qua, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông (EEF) ở thành phố Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông của Nga, Tổng thống Putin tuyên bố: Nga sẵn sàng có những bước đi dứt khoát để giải quyết tranh chấp chủ quyền kéo dài 70 năm qua với Nhật. Ông Putin nói rằng, quá khứ không nên trở thành vật cản hướng tới tương lai. Nga và Nhật cần phải nghĩ cách thức tháo gỡ những vấn đề vốn cản trở hai nước tiến về phía trước. Nhưng bên cạnh đó, ông Putin nhấn mạnh, mặc dù Nga sẵn sàng kiên định giải pháp cho cuộc tranh chấp nhưng mọi bước đi đều phải được suy xét kỹ lưỡng.
Cũng tại diễn đàn này, hội đàm với Tổng thống Putin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề xuất với nhà lãnh đạo Nga về một kỷ nguyên mới trong quan hệ song phương. Sau đó, hai bên đã thúc đẩy các đàm phán song phương cấp chuyên viên, cấp thứ trưởng và ngoại trưởng. Thủ tướng Abe và Tổng thống Putin cũng đã có cuộc hội đàm bên lề Hội nghị Cấp cao APEC ở thủ đô Lima của Peru vào ngày 19-11 nhằm đặt nền móng cho chuyến thăm Nhật của nhà lãnh đạo Nga.
Tuy nhiên, trước thềm chuyến thăm của ông Putin, ngày 5-12, phát biểu tại cuộc họp các quan chức cấp cao trong đảng cầm quyền và chính phủ, Thủ tướng Abe cho rằng, đàm phán về hiệp ước hòa bình sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Nhưng ông hy vọng sự hợp tác chặt chẽ giữa lãnh đạo hai nước và những tiềm năng trong mối quan hệ hợp tác kinh tế song phương sẽ giúp thúc đẩy các bước tiến để giải quyết những vấn đề gai góc khác. “Tôi muốn hai nhà lãnh đạo thảo luận thẳng thắn và cởi mở trong bầu không khí tích cực và đạt các bước tiến trong các cuộc đàm phán về hiệp ước hòa bình. Đây không phải là một vấn đề có thể được giải quyết chỉ trong một cuộc họp. Tuy nhiên, tôi vẫn mong muốn thúc đẩy các bước đi tiếp theo, dựa trên mối quan hệ tin tưởng mà tôi và Tổng thống Putin đã thiết lập”, Thủ tướng Abe khẳng định.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng thừa nhận: “Sẽ không dễ dàng trong việc thu hẹp lập trường cơ bản của hai bên. Vấn đề này rất khó khăn. Đây cũng là vấn đề đàm phán giữa hai nước nhiều năm qua. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẵn sàng giải quyết và thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai nước”.
Những gì đang diễn ra cho thấy không dễ dàng các lập trường cơ bản của Nga và Nhật xích lại gần nhau. Song, trong bối cảnh tình hình chính trị thế giới, nhất là trong khu vực có những thay đổi nhanh chóng, các dấu hiệu gần đây cho thấy, bất chấp những khó khăn, phức tạp, Nga - Nhật vẫn bày tỏ quan điểm sẵn sàng giải quyết các vấn đề thực tế, hướng tới việc ký kết hiệp ước hòa bình theo giải pháp mà cả hai bên đều có thể chấp nhận được. Điều này sẽ hỗ trợ sự phát triển hợp tác giữa các vùng lân cận của hai nước, phát triển toàn diện mối quan hệ mọi mặt; đồng thời cũng gợi mở cho các quốc gia trên thế giới bắt tay vào giải quyết các bất đồng liên quan đến tranh chấp lãnh thổ.
TUYẾT MINH