Quốc tế

Hơn 70 nước muốn nối lại đàm phán hòa bình Trung Đông

07:53, 16/01/2017 (GMT+7)

Lo ngại làn sóng bạo lực mới sẽ bùng phát ở Trung Đông, hơn 70 nhà ngoại giao thế giới, trong đó có các quốc gia châu Âu và Arab cũng như các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhóm họp tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 15-1 để thúc đẩy nối lại các cuộc đàm phán về hòa bình.

Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv có thể được di chuyển đến Jerusalem.  Ảnh: AFP
Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv có thể được di chuyển đến Jerusalem. Ảnh: AFP

Hãng AP cho biết, hội nghị hòa bình Trung Đông tìm cách khởi động lại tiến trình hòa bình giữa Israel - Palestine vốn bị trì hoãn kể từ khi sáng kiến do Mỹ khởi xướng đổ vỡ vào tháng 4-2014. Theo đó, hội nghị gửi thông điệp mạnh mẽ đến Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu rằng, hầu hết thế giới muốn hòa bình và giải pháp hai nhà nước là cách tốt nhất để giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine; đồng thời cảnh báo kế hoạch của ông Trump trong việc di chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem có thể hủy hoại những nỗ lực hòa bình.

“Giải pháp hai nhà nước là giải pháp duy nhất có thể”, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault phát biểu khai mạc hội nghị. “Trách nhiệm của chúng tôi là đưa Israel và Palestine trở lại bàn đàm phán”, ông Ayrault nói. Nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp cũng lo ngại ông Trump sẽ tạo ra những căng thẳng mới ở khu vực Trung Đông bằng việc theo đuổi các chính sách thân Israel và di chuyển Đại sứ Mỹ từ Tel Aviv (vốn tồn tại suốt 68 năm) đến Jerusalem.

Trong khi đó, Thủ tướng Netanyahu cho rằng, hội nghị hòa bình về Trung Đông ở Paris nhằm chống lại Israel và chính phủ tương lai của ông Trump không tham gia sự kiện này. Cả Israel lẫn Palestine đều không có mặt ở Paris.

Tham dự hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bảo vệ các lợi ích của Washington và cho rằng, hoạt động xây nhà định cư tại các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng đe dọa hòa bình Trung Đông.
Đây là bước đột phá lớn về ngoại giao cuối cùng của ông trước khi rời nhiệm sở. Điều này cũng đánh dấu chấm dứt 8 năm thất bại của Mỹ trong chính sách về Israel - Palestine.  

Quan hệ giữa Mỹ và Israel dưới thời Tổng thống Obama không còn “mặn nồng”, thậm chí trở nên căng thẳng khi Washington bỏ phiếu trắng trong Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu Tel Aviv chấm dứt hoạt động tái định cư nói trên.

PHÚC NGUYÊN

.