Quốc tế

Thuế xăng dầu thế giới giảm suốt 13 năm qua

10:16, 15/01/2017 (GMT+7)

Tạp chí Nature Energy vừa công bố kết quả nghiên cứu về tình hình đánh thuế xăng dầu ở các nước trên thế giới.  Kết quả vô cùng bất ngờ khi mức thuế giảm suốt 13 năm qua, và mức tiêu thụ xăng dầu tăng lên ở các nước có mức thuế thấp hoặc có trợ cấp.

Thuế xăng dầu trên thế giới giảm trong hơn một thập niên qua.
Thuế xăng dầu trên thế giới giảm trong hơn một thập niên qua.

Mức thuế trung bình của xăng dầu ở 157 quốc gia năm 2015 đã giảm 13% so với năm 2003. 13 năm qua, mức tiêu thụ xăng dầu tăng lên ở các nước có mức thuế thấp hoặc có trợ cấp. Trong khi, thế giới luôn nhận thức được rằng, muốn giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì phải giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Người đứng đầu cuộc điều tra nghiên cứu là Giáo sư Michael Ross thuộc Đại học California ở Los Angeles (Mỹ) nói rằng: “Tất cả đều cam kết chống lại biến đổi khí hậu nhưng các chính phủ đã thất bại trong việc khuyên người dân giảm bớt sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Ở mức độ toàn cầu, chúng ta đã đi sai hướng”.

Nhóm nghiên cứu của Giáo sư Ross thực hiện việc ghi chép giá bán lẻ xăng dầu từng tháng một trong suốt 13 năm qua ở 157 nước (chiếm 97% dân số thế giới và xả 98% lượng khí thải). Nhóm lấy tháng đầu tiên của năm 2003 làm chuẩn để rồi kết luận rằng các nước xuất khẩu dầu mỏ như Nigeria, Algeria, Angola và các nước vùng Vịnh gặp vấn đề về giảm thuế. Mỹ là quốc gia có thuế xăng dầu cao nhưng lần cuối tăng thuế là năm…1993. Trung Quốc phát triển nhanh năng lượng sạch nhưng vẫn xây dựng các nhà máy nhiệt điện. Giáo sư Ross kết luận: “Nhiều loại thuế và trợ cấp được ẩn dưới dạng ngân sách ở một số quốc gia. Một số khác công bố cải cách nhưng không thể thực hiện được”.

Các chuyên gia từ lâu đã lên tiếng việc cắt giảm các trợ cấp xăng dầu, khí đốt và than; đồng thời tăng thuế là một trong những cách giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Đó là những công cụ căn bản cho quá trình chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch. Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ban khoa học về biến đổi khí hậu của LHQ và Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cũng đề ra những giải pháp tương tự. Tuy nhiên, mức trợ cấp nhiên liệu hóa thạch vẫn khổng lồ: Gần 500 tỷ USD trong năm 2014, theo số liệu của IEA; IMF đưa ra con số 333 tỷ USD trợ cấp trực tiếp cho người tiêu dùng trong năm 2015.

Theo Hiệp định biến đổi khí hậu Paris 2015, 196 quốc gia nhất trí kiềm chế mức tăng nhiệt độ trên toàn cầu không quá 20C so với nhiệt độ của thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (vào khoảng những năm 1850). Đó là mục tiêu mà các nhà khoa học cho rằng chỉ có thể trở thành hiện thực nếu như nền kinh tế thế giới chuyển động nhanh chóng sang năng lượng sạch. Chỉ cần tăng 10C thôi, trái đất đã phải hứng chịu những đợt nắng nóng kéo dài, hạn hán, lũ lụt, bão tố vì mức nước biển tăng cao. Dường như những dự báo khoa học trong tương lai không thể làm cho con người lay chuyển trước sức ép của cuộc sống hiện tại.

ANH THƯ (Theo phys.org, news.trust.org)

.