Quốc tế

Nước Mỹ bước vào kỷ nguyên mới

08:18, 23/01/2017 (GMT+7)

Nước Mỹ đang bước vào một kỷ nguyên mới dưới thời ông Donald Trump, kỷ nguyên đánh dấu sự thay đổi với việc “nước Mỹ là trên hết”, “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” - như khẳng định của Tổng thống Donald Trump.

Tân Tổng thống Donald Trump cam kết “sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong ảnh: Ông Donald Trump bắt tay người tiền nhiệm Barack Obama trong lễ nhậm chức. 	                                                    Ảnh: AP
Tân Tổng thống Donald Trump cam kết “sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Trong ảnh: Ông Donald Trump bắt tay người tiền nhiệm Barack Obama trong lễ nhậm chức. Ảnh: AP

Những giờ phút huy hoàng, ấn tượng của lễ nhậm chức đã trôi qua, tân Tổng thống Donald Trump phải bắt tay vào hàng loạt công việc để chèo lái nền kinh tế hàng đầu thế giới. “Tuần trăng mật” của ông cũng chỉ ngắn ngủi bằng một vài giờ đồng hồ và sau đó là việc ký sắc lệnh đầu tiên “đóng băng” tất cả quy định mới liên quan Obamacare (Luật bảo vệ bệnh nhân và chăm sóc y tế giá phải chăng).

Điều đáng nói, Obamacare là một trong những thành tựu của người tiền nhiệm - ông Barack Obama. Trong khi đó, ông Trump cho rằng, chương trình này gây tốn kém cho ngân sách, tổn hại đến tăng trưởng việc làm. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc bãi bỏ hoàn toàn Obamacare là điều không dễ bởi hiện ông Trump và đảng Cộng hòa vẫn chưa đưa ra dự luật nào khác thay thế.

Bên cạnh đó, động thái đáng chú ý của Nhà Trắng là việc phát thông cáo cho biết sẽ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Thông cáo đề cập việc Mỹ sẽ có động thái cứng rắn với “những quốc gia vi phạm các hiệp định thương mại (với Mỹ) và gây tổn hại đến người lao động Mỹ”. Song, ông Trump sẵn sàng đàm phán một hiệp định thương mại khác: NAFTA, được Mỹ, Canada và Mexico ký kết năm 1994.

Như vậy, TPP gồm sự tham gia của 12 nước có nguy cơ “chết yểu” vì vấp phải sự phản đối của Mỹ mặc dù Washington đã ký TPP và hiệp định này được xem là trụ cột kinh tế trong chiến lược xoay trục của ông Obama sang châu Á - Thái Bình Dương. Theo CNN, quyết định rút khỏi TPP của ông Trump không được các nhà lãnh đạo thế giới hoan nghênh. Hãng CNN dẫn lời Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói: “TPP không có Mỹ là vô nghĩa”. Ông Abe vẫn khẳng định tầm quan trọng của việc tiếp tục vận động Mỹ thông qua TPP.

Trong khi đó, Tổng thống Peru Pablo Pedro Kuczynski muốn có một hiệp định khác mà không có Mỹ tham gia. Thương mại vốn là ưu tiên hàng đầu của nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có ông Kuczynski. Mới đây, ông Kuczynski chủ trì Hội nghị APEC và cùng các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết mở cửa thị trường, chống mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ. Tuy nhiên, một ngày sau khi hội nghị này kết thúc, ông Trump tuyên bố sẽ rút khỏi TPP ngay trong ngày ông tiếp quản Nhà Trắng. Điều này nay đã được ông chủ mới của Nhà Trắng “hiện thực hóa”.

Quyết định của ông Trump rút khỏi TPP được cho là sẽ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và Nga nhưng làm tổn hại Mỹ. Trung Quốc đang thúc đẩy thỏa thuận thương mại, được gọi là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), với sự tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Úc - những nước đã là thành viên TPP.

Nếu RCEP thành công, Trung Quốc sẽ có vị trí mạnh hơn để dẫn đầu hiệp định tự do lớn hơn ở khu vực trong tương lai. Tại châu Á, một số quốc gia như Philippines đang muốn xích lại gần Trung Quốc. Hơn nữa, các quan chức Bắc Kinh cũng đang hoan nghênh các nước Mỹ Latinh đến với RCEP.

Hơn nữa, trên một phương diện khác, với việc đầu tư lớn vào Mỹ Latinh trong những năm gần đây, Trung Quốc và Nga đang muốn lấy đi ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực vốn được xem là “sân sau” của Washington. Từ năm 2005, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc rót 120 tỷ USD đầu tư vào Mỹ Latinh. Từ năm 2008, Nga đưa vũ khí quân sự đến Venezuela, Brazil và Bolivia…

Cũng theo CNN, vẫn chưa rõ số phận của TPP sẽ như thế nào nhưng trước tuyên bố của Nhà Trắng, các nước còn lại trong TPP vẫn sẵn sàng thúc đẩy mối quan hệ mà không cần có Mỹ.

Ngày 21-1, giờ địa phương (sáng 22-1, giờ Việt Nam), hơn 500.000 người đổ xuống đường phố ở Los Angeles (Mỹ) để tham gia biểu tình phản đối tân Tổng thống Donald Trump. Hãng AP cho biết, tại thủ đô Washington D.C, hơn 200.000 người cũng xuống đường tham gia cuộc tuần hành có tên gọi “Tuần hành của phụ nữ tới Washington”, bởi lo sợ chính phủ mới sẽ làm suy giảm quyền của phụ nữ.

VĨNH AN

.