Quốc tế
Các nước tìm cách ứng phó với quyết sách của Chính phủ Mỹ
Theo Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe dự kiến sẽ đề xuất các cuộc đàm phán mới giữa Mỹ và Nhật Bản (ở cấp nội các) để bàn thảo về thương mại, an ninh và các vấn đề kinh tế vĩ mô (trong đó có tiền tệ) khi có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 10/2.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson (phải) và người đồng cấp Canada Chrystia Freeland (trái) tại cuộc gặp ở Washington, DC, Mỹ. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trong khi đó, theo Đại sứ Honduras tại Mexico Alden Rivera, Bộ trưởng Ngoại giao các nước Mexico, Honduras, El Salvadorvà Guatemala sẽ nhóm họp tại Mexico trong tuần tới để thảo luận về chính sách nhập cư nhằm "ứng phó" với các quyết định liên quan của tân chính quyền Mỹ.
Ông Rivera cho biết lo ngại chính của ông là một sự thay đổi về chính sách nhập cư của Mỹ và cách thức phản ứng của Mexico đối với vấn đề này.
Hồi tháng 11/2016, hãng Reuters (Anh) đưa tin Honduras , El Salvador và Guatemala đã nhất trí cùng nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ Mexico để xây dựng biện pháp chung của nhóm nước này nhằm đối phó với những thay đổi về chính sách của Mỹ.
Một sự kiện đáng chú ý khác là Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã có cuộc gặp với những quan chức đồng nhiệm của Canada và Mexico trong ngày 8/2 trong bối cảnh xuất hiện nhiều lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Canada , Mexico và Mỹ là thành viên Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), mà ông Trump coi là “thảm họa” đối với việc làm của người dân Mỹ và đe dọa sẽ tiến hành đàm phán lại về hiệp định này.
Còn trong cuộc phỏng vấn của hãng tin AP (Mỹ), cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter cho hay hàng triệu việc làm có thể tạo ra tại Mỹ nếu Tổng thống Donald Trump ủng hộ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như địa nhiệt, năng lượng Mặt trời và năng lượng gió.
Ông Carter, Tổng thống đầu tiên của Mỹ cho phép lắp đặt các tấm thu năng lượng Mặt trời tại Nhà trắng, hy vọng ông Trump sẽ “cân nhắc kỹ càng” vấn đề trên.
Trong khi đó, các doanh nghiệp nhỏ và các ngân hàng cộng đồng tỏ ra lạc quan về những thay đổi về luật mà chính phủ và quốc hội của Mỹ cam kết.
Tính đến ngày 30/9/2016, Mỹ có 5.521 ngân hàng cộng đồng, giảm tới hơn 25% so với cuối năm 2008 - thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính.
Theo VIetnam+