Quốc tế
Cố vấn an ninh Mỹ từ chức
Mới làm Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ chưa đầy 1 tháng, ông Michael Flynn đã từ chức. Việc một quan chức trong chính phủ Mỹ từ chức quá sớm như vậy là điều chưa từng có.
Ông Mike Flynn là quan chức cấp cao đầu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump phải từ nhiệm. Ảnh: AFP |
Hãng AP cho biết, Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn từ chức sau khi có các thông tin cho rằng, ông đã không trung thực với Phó Tổng thống Mike Pence và các quan chức khác về mối liên hệ với Nga. Trong thư từ chức, Flynn thừa nhận ông đã cung cấp “thông tin chưa đầy đủ” về các cuộc gọi của mình với Đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Dựa vào thông tin từ Flynn, Phó Tổng thống Pence khẳng định Cố vấn an ninh quốc gia không thảo luận các biện pháp trừng phạt với Đại sứ Nga. Giờ đây, Phó Tổng thống Pence bày tỏ sự tức giận vì đã bảo vệ nhầm ông Flynn. Ông Pence cho biết, bản thân ông cảm thấy lúng túng trước những thông tin mà Flynn đã che giấu.
Trước khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống, ông Flynn đã nói với giới chức Nga về khả năng Washington sẽ dỡ bỏ trừng phạt Mátxcơva. Hành động này bị cho là có thể vi phạm Luật Logan cấm các cá nhân dân sự Mỹ can dự vào chính sách đối ngoại.
Như vậy, Flynn là một trong những cố vấn cấp cao của Tổng thống Trump có thời gian làm việc ngắn nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại (chỉ chưa đầy 1 tháng). Vị tướng quân đội nghỉ hưu 57 tuổi này từng đảm nhiệm chức Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc phòng từ năm 2012-2014 dưới thời Tổng thống Barack Obama. Năm 2014, ông Flynn nghỉ hưu và là người chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính phủ Obama, nhất là trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chọn tướng về hưu Keith Kellogg thay vị trí của Flynn. Trước đó, Kellogg đã được chọn làm Giám đốc Hội đồng An ninh quốc gia và cố vấn của ông Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống hồi năm ngoái.
Cũng theo AP, sau khi có thông tin Cố vấn an ninh quốc gia thảo luận với Đại sứ Nga về việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt, Tổng thống Trump chưa bao giờ công khai ủng hộ Flynn. Song, các quan chức Nhà Trắng lại gửi những thông điệp mâu thuẫn; trong đó, cố vấn cấp cao của Tổng thống Kellyanne Conway nói rằng, ông Trump hoàn toàn tin tưởng Flynn, trong khi Thư ký báo chí Sean Spicer cho biết, Tổng thống “đang đánh giá tình hình” và bàn thảo với Phó Tổng thống Pence…
Điện Kremlin cũng xác nhận ông Flynn đã liên hệ với Đại sứ Kislyak nhưng bác bỏ việc họ trao đổi về vấn đề dỡ bỏ lệnh trừng phạt. Các nghị sĩ Nga lên tiếng bảo vệ ông Flynn. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Nga Konstantin Kosachev viết trên mạng xã hội Facebook rằng, việc sa thải một cố vấn an ninh do có liên hệ với Nga “không những là bệnh hoang tưởng mà thậm chí còn là điều tồi tệ”. Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hạ viện Nga Alexei Pushkov chỉ trích vụ việc này “không nhằm vào ông Flynn mà nhằm vào quan hệ với Nga”.
Trước đó, Điện Kremlin không kỳ vọng sự đột phá trong mối quan hệ giữa hai nước trước khi hai Tổng thống có cuộc gặp gỡ cá nhân. Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Nga Vladimir Putin nhận định: Còn quá sớm để nói về quan hệ giữa Mátxcơva với Washington sẽ được cải thiện. Trao đổi với hãng thông tấn RIA Novosti, Chủ tịch Hội đồng Chính sách đối ngoại và quốc phòng Nga Fyodor Lukyanov cho rằng, vẫn chưa rõ việc ông Flynn từ chức có ảnh hưởng đến quan hệ song phương hay không.
Theo nghị sĩ bang California Adam Schiff, nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, việc ông Flynn từ chức không chấm dứt được những câu hỏi xung quanh mối liên hệ của ông với Nga. Một trong những nghi vấn được đặt ra là ông Flynn đã hành động theo lệnh của Tổng thống Trump hay những người khác.
Dù sao trong lúc chính phủ mới của Mỹ đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có những rắc rối xung quanh sắc lệnh hành pháp cấm nhập cảnh, việc Flynn từ chức khiến ông Trump mất đi một cánh tay đắc lực. Trong lúc đó, CNN lại cho rằng, tân Tổng thống Mỹ đang hối tiếc vì đã chọn ông Sean Spicer làm Thư ký báo chí Nhà Trắng.
PHÚC NGUYÊN