Quốc tế
Tương lai liên minh Mỹ - Iraq chông chênh
Sắc lệnh cấm nhập cảnh cùng những quan điểm khác của Tổng thống Donald Trump đang đe dọa hủy hoại sự hợp tác an ninh giữa Mỹ và Iraq trong tương lai. Iraq là một trong số 7 quốc gia Hồi giáo bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Binh sĩ Mỹ ở Qayara, cách thành phố Mosul của Iraq khoảng 50km về phía nam. Ảnh: AP |
Hãng AP cho biết, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đang cố gắng kiềm chế phản ứng tức giận của công chúng về sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump. Sắc lệnh ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày; cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn; và cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày.
Đêm 9-2 vừa qua, Thủ tướng Abadi và Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm lần đầu tiên kể từ khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng. Theo đó, nhà lãnh đạo Mỹ cam kết một cuộc chiến mạnh mẽ hơn nhằm chống lại các chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đồng thời cam kết hỗ trợ Iraq chống lại chủ nghĩa khủng bố. Một quan chức Iraq cho hay, ông Abadi đã đề nghị Tổng thống Trump xóa tên Iraq trong sắc lệnh.
Phản ứng tức giận của người Iraq dấy lên ở thời điểm quan trọng trong mối quan hệ với Mỹ - mối quan hệ lâu dài và thường gây tranh cãi. Lực lượng Iraq được Mỹ hậu thuẫn sẽ mở chiến dịch chiếm lại một nửa phía tây Mosul, thành phố cuối cùng còn trong tầm kiểm soát của IS. Nếu Mosul hoàn toàn được giải phóng thì sẽ phá vỡ “thành trì” của nhóm thánh chiến cực đoan ở quốc gia Trung Đông này. Hiện có hơn 5.000 binh sĩ Mỹ được triển khai tại Iraq nhằm hỗ trợ lực lượng Iraq và người Kurd giành lại Mosul. Tuy nhiên, các quan chức Iraq và Mỹ nói rằng, việc duy trì an ninh ở Iraq hậu IS sẽ là điều khó khăn, trong đó có việc ngăn chặn sự nổi dậy của các chiến binh và kiểm soát sự chia rẽ chính trị giữa những người Shi’ite, Sunni và Kurd.
Hiện áp lực dồn lên người đứng đầu chính phủ Iraq. Các nghị sĩ yêu cầu Thủ tướng Abadi giảm sự hợp tác với Mỹ trong tương lai, hạn chế hoặc ngăn chặn việc binh sĩ Mỹ đồn trú ở đất nước này sau khi đánh bại IS và đáp trả lại sắc lệnh cấm người Iraq nhập cảnh vào Mỹ. Các thành viên Shi’ite còn thẳng thừng cảnh báo sẽ trả đũa Mỹ nếu Washington có bất kỳ hành động quân sự nào chống lại Iran. “Ông Trump làm ông Abadi lúng túng”, nghị sĩ Saad al-Mutalabi nói.
Trong khi đó, mặc dù chỉ trích sắc lệnh của Tổng thống Trump nhưng Thủ tướng Abadi từ chối đưa ra biện pháp “ăn miếng trả miếng”, bất chấp kêu gọi đáp trả mạnh mẽ của Quốc hội Iraq. AP dẫn lời một quan chức Mỹ cho rằng, chính phủ của ông Trump đang tiếp cận thường xuyên với chính phủ của ông Abadi để ngăn chặn căng thẳng leo thang; đồng thời gửi thông điệp: Washington nhận biết rõ những hệ quả nếu Iraq quay lưng với Mỹ. Xem ra cuộc điện đàm đêm 9-2 vừa qua giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Iraq là bước đi tích cực trong việc xoa dịu căng thẳng; trong đó, Tổng thống Trump nói rằng, ông sẽ xem xét những gì có thể làm được để giảm thiểu tác động đối với những người Iraq không được nhập cảnh vào Mỹ. Thực tế, kể từ khi ông Trump công bố sắc lệnh, nhiều thành viên trong chính phủ Mỹ khuyến cáo Nhà Trắng nên xóa tên Iraq khỏi danh sách 7 quốc gia Hồi giáo chịu lệnh cấm. Chưa có thông tin khẳng định ông Trump sẽ làm như vậy nhưng nhà lãnh đạo Mỹ có thể có những bước đi để miễn cho nhiều người Iraq bị ràng buộc bởi sắc lệnh. Tuy nhiên, hiện sắc lệnh bị tòa án “đóng băng”.
Cựu Đại sứ Iraq tại Mỹ Lukman Faily cho rằng, Baghdad sẽ không muốn hợp tác an ninh lâu dài với Mỹ nếu vẫn bị Washington xem là khủng bố. Nhiều người dân cũng như quân đội và các chính trị gia Iraq vẫn hoan nghênh sự hiện diện của lực lượng Mỹ cũng như sự ủng hộ chính trị của cường quốc này. Cuộc chiến chống IS ở Mosul cũng đưa Mỹ và Iraq xích lại gần nhau hơn. Song, chính sắc lệnh của ông Trump đang đe dọa tương lai của mối quan hệ giữa hai nước.
Mỹ đang cân nhắc ban hành sắc lệnh di trú mới, trong lúc sắc lệnh hành pháp về cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump bị các tòa án ở cường quốc này chặn lại. Hãng AFP dẫn lời ông Stephen Miller, trợ lý của Tổng thống Trump trả lời kênh truyền hình Fox News rằng, với việc tòa án liên bang “đóng băng” sắc lệnh, nhà lãnh đạo Mỹ “đang xem xét và theo đuổi tất cả sự lựa chọn”. |
PHÚC NGUYÊN