Quốc tế

Đức - Thổ Nhĩ Kỳ hàn gắn quan hệ

07:58, 03/02/2017 (GMT+7)

Chuyến thăm của Thủ tướng Đức Angela Merkel đến Thổ Nhĩ Kỳ ngày 2-2 được xem là cơ hội để hai nước hàn gắn quan hệ vốn rạn nứt sâu sắc do những bất đồng xung quanh vấn đề chống khủng bố.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) đến Ankara, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với mong muốn tháo gỡ bất đồng giữa hai nước.      										                     Ảnh: AFP
Thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) đến Ankara, gặp gỡ các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ với mong muốn tháo gỡ bất đồng giữa hai nước. Ảnh: AFP

Hãng Reuters cho biết, tại thủ đô Ankara, Thủ tướng Angela Merkel gặp gỡ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Binali Yildirim. Ngoài ra, bà cũng gặp gỡ thành viên các đảng đối lập thân người Kurd. Nội dung nghị sự bao gồm thỏa thuận nhập cư của Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu, hợp tác trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria, chia sẻ thông tin tình báo và vấn đề nhân quyền.

Song, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ - hai đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có những bất đồng sâu sắc xung quanh việc Ankara trấn áp mạnh tay sau vụ đảo chính bất thành ngày 15-7-2016, cũng như những tuyên bố của Thổ bị Đức bác bỏ rằng, Berlin đang chứa chấp các chiến binh người Kurd trong 3 thập niên qua, trong đó có các chiến binh cánh tả từng tấn công vũ trang vào Thổ. Ngoài ra, hai quốc gia này cũng căng thẳng xung quanh việc Đức rút các máy bay chiến đấu Tornado khỏi căn cứ không quân Incirlik ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi có 250 binh sĩ Đức đồn trú để tham gia chiến dịch chống IS. Nguyên nhân do Thổ không cho các nhà lập pháp Đức tiếp cận cơ sở này.

Sau vụ đảo chính bất thành nói trên, Đức quan ngại về các vụ bắt bớ hàng loạt của chính phủ Thổ. Trong khi đó, Ankara cho rằng, Berlin có thái độ không nghiêm túc với cuộc binh biến. Thậm chí, Ankara tức giận khi truyền thông Đức gọi cuộc đảo chính là “màn kịch” do Tổng thống Erdogan dựng lên.

Cũng theo Reuters, Đức bác bỏ cáo buộc nước này đang chứa chấp các chiến binh có liên quan đến đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị Mỹ và Liên minh châu Âu xem là một nhóm khủng bố. Song, phát biểu với hãng thông tấn Anadolu, chính Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Veysi Kaynak khẳng định Đức “tạo nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố, ngay cả trong lúc Thổ Nhĩ Kỳ gặp rắc rối”.

Ông Kaynak còn nói rằng, Berlin tạo nơi ẩn náu cho các thành viên mà Thổ gọi là “Tổ chức Khủng bố Gulenist” (FETO), mạng lưới của giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Mỹ - người bị Ankara quy trách nhiệm về vụ đảo chính bất thành. “Các nhân vật quan trọng nhất trong âm mưu đảo chính... đang ở Đức”, ông Kaynak nói.

Trong lúc đó, báo chí Đức cho hay, tuần trước, khoảng 40 thành viên trong quân đội Thổ làm việc tại các cơ sở của NATO ở Đức đã đề nghị nước sở tại cho tị nạn. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục Đức bác bỏ đơn xin tị nạn, đồng thời cảnh báo rằng nếu Berlin chấp thuận việc tị nạn sẽ hủy hoại mối quan hệ giữa hai nước. Theo AP, số công dân Thổ xin tị nạn ở Đức tăng vọt từ 1.700 người trong năm 2015 lên 5.700 người trong năm 2016.

Năm ngoái, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier từng cho rằng, quan hệ giữa nước ông và Thổ Nhĩ Kỳ xấu đến mức hai quốc gia này hầu như không có cơ sở để hội đàm. Với chuyến thăm lần này của Thủ tướng Merkel, đây là cơ hội hiếm hoi để cả hai nước hóa giải bất đồng.

Song, chuyến thăm diễn ra trong thời điểm “nhạy cảm” bởi Tổng thống Erdogan sắp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý vào tháng 4 tới về việc gia tăng quyền lực cho ông, bà Merkel cũng chuẩn bị cuộc bầu cử vào tháng 9 và trong chiến dịch tranh cử không thể không đề cập vấn đề then chốt: chính sách của Đức về Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong các cuộc hội đàm tại Ankara lần này, bà Merkel cũng muốn nhấn mạnh với Thổ về việc thực thi thỏa thuận “một đổi một” nhằm ngăn dòng người tràn vào châu Âu, bất chấp những đe dọa của Tổng thống Erdogan rằng, ông sẽ hủy bỏ thỏa thuận nếu châu Âu không miễn thị thực cho công dân Thổ. Thỏa thuận này đã có hiệu lực từ tháng 3 năm ngoái nhưng đến nay dòng người di cư vẫn đổ về Hy Lạp và thỏa thuận vẫn rơi vào tình trạng “mặc cả”.

PHÚC NGUYÊN

.