Quốc tế

Tổng thống Mỹ với sắc lệnh gây tranh cãi

09:14, 02/02/2017 (GMT+7)

Những ngày đầu tiếp quản Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump thật không suôn sẻ, thậm chí gây ồn ào, khi ông vấp phải phản ứng xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh.

Biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. 			             Ảnh: AFP
Biểu tình bên ngoài Tòa án Tối cao phản đối sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AFP

Sắc lệnh do Stephen Miller - cố vấn chính sách của Tổng thống Donald Trump soạn thảo và được ông chủ Nhà Trắng ký, không những gây phản ứng trong nước mà còn nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, ngay cả Liên Hợp Quốc cũng lên tiếng phản đối. Theo đó, người dân 7 quốc gia gồm Iran, Iraq, Syria, Yemen, Sudan, Somalia và Libya không được nhập cảnh vào Mỹ trong ít nhất 90 ngày. Sắc lệnh cũng đình chỉ tiếp nhận người tị nạn từ mọi quốc gia trong vòng 4 tháng và cấm tiếp nhận vô thời hạn người tị nạn Syria.

Ông Trump cho rằng, sắc lệnh không hề nhằm vào bất kỳ tôn giáo nào mà mục đích đơn thuần là chống khủng bố và bảo vệ sự an toàn của nước Mỹ. Hơn nữa, theo ông, sắc lệnh này không làm ảnh hưởng đến hơn 40 quốc gia Hồi giáo trên thế giới và Mỹ sẽ nối lại việc cấp thị thực đối với tất cả các nước sau khi Washington hoàn thành việc xem xét, áp đặt các biện pháp an ninh cao nhất trong 90 ngày.

Hãng AFP cho biết, sắc lệnh được đưa ra trong lúc hơn 100 người nhập cư, tị nạn và thậm chí các công dân thường trú hợp pháp của Mỹ bị tạm giữ tại một số sân bay. Một số người đã trở về nước, một số được vào Mỹ với sự trợ giúp của luật sư. Những người chỉ trích cho rằng, sắc lệnh của ông Trump là vi hiến. Song, những người ủng hộ lại xem đây là giải pháp tạm thời, tương tự sắc lệnh mà người tiền nhiệm Barack Obama ký hồi năm 2011, nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia trong lúc mối lo ngại về khủng bố toàn cầu đang tăng cao. Năm 2011, ông Obama từng ra sắc lệnh cấm nhập cảnh 6 tháng đối với công dân Iraq sau khi các nhà chức trách xác định 2 người tị nạn đến từ quốc gia Trung Đông này liên quan đến một vụ chế tạo bom.

Vậy sắc lệnh của tân Tổng thống Mỹ có hợp pháp không? Vẫn có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Quyền Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates nghi ngờ tính hợp pháp của sắc lệnh và đã bị ông Trump sa thải ngay lập tức. Cựu Tổng thống Obama cũng chỉ trích sắc lệnh và “không đồng tình với quan điểm phân biệt đối xử cá nhân chỉ vì tôn giáo hay sắc tộc của họ”. “Công dân có quyền được hội họp, tổ chức và được lắng nghe, đó là điều mà chúng tôi mong muốn thấy khi các giá trị Mỹ bị đe dọa”, ông Kevin Lewis, phát ngôn viên của cựu Tổng thống Obama dẫn lại lời của ông.

Thủ tướng Đức Angela Merkel chỉ trích Mỹ không công bằng khi cấm công dân 7 quốc gia Hồi giáo nhập cảnh. Bà Merkel - vốn đi đầu trong chính sách mở cửa đón người tị nạn - cho rằng hành động của Mỹ đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản về hỗ trợ người tị nạn và hợp tác quốc tế. Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres muốn ông Trump nhanh chóng hủy bỏ sắc lệnh gây ồn ào này.

Trong khi đó, theo các nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ - những người ký vào bản ghi nhớ phản đối sắc lệnh, việc hạn chế nhập cảnh đối lập với bản chất của cường quốc hàng đầu thế giới này và các giá trị thuộc Hiến pháp mà các nhân viên liên bang đã tuyên thệ, gìn giữ.

Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer lý giải, sắc lệnh hành pháp nói trên không phải là “lệnh cấm đối với người Hồi giáo mà chỉ một cơ chế xét duyệt lý lịch nhằm giữ cho nước Mỹ an toàn”. Tuy nhiên, lý giải này xem ra không mấy thuyết phục. Ngay cả tân Tổng thống giờ đây cũng tỏ ra không hài lòng với cách các quan chức thực thi lệnh hạn chế nhập cảnh bởi sắc lệnh dường như được xúc tiến quá nhanh. Thậm chí, ông Spicer cũng bị cho là có một phần lỗi xung quanh chiến dịch truyền thông cho sắc lệnh.

Theo nhận định của các nhà quan sát, các chính sách mới dưới thời ông Trump sẽ tiếp tục có những thay đổi. Chưa rõ với sức ép như vậy, tân Tổng thống có hủy bỏ sắc lệnh cấm nhập cảnh hay không nhưng trong lúc này, ông Trump ít nhiều vẫn cần sự ủng hộ của người dân Mỹ hơn là phản đối và cần hạn chế những ồn ào hơn là tạo “sóng gió” trong những ngày đầu ở Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cử Thẩm phán tòa phúc thẩm theo đường lối bảo thủ Neil Gorsuch (49 tuổi) làm Thẩm phán Tòa án Tối cao - chức vụ bị bỏ trống gần 1 năm qua. Nếu được Thượng viện phê chuẩn, ông Gorsuch sẽ là Thẩm phán Tòa án Tối cao trẻ nhất trong hơn 25 năm qua và có thể ảnh hưởng đến đường lối của tòa án trong nhiều thập niên tới.

Đề cử của tân Tổng thống được cho là sẽ khôi phục tỷ lệ đa số quan chức theo đường lối bảo thủ trong Tòa án Tối cao; đồng thời giúp định hình những phán quyết về các vấn đề mang tính quyết định ở Mỹ như: phá thai, kiểm soát súng, án tử hình và các quyền về tôn giáo.

VĨNH AN

.