Quốc tế
Mỹ ra sức trấn an châu Âu
Chỉ trong 1 tuần, các thành viên cao cấp nhất trong nội các của Tổng thống Mỹ Donald Trump đến Brussels (Bỉ), Bonn và Munich (Đức), mang theo thông điệp trấn an châu Âu rằng, mọi việc vẫn tốt đẹp.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Hội nghị An ninh Munich. Ảnh: AFP |
Hãng Reuters cho biết, châu Âu đã nghe phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis rằng, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không lỗi thời, dù ông Donald Trump trước đó có những nhận định ngược lại, thậm chí gây hoang mang cho liên minh quân sự lâu đời này. Theo các chính trị gia và các nhà phân tích, mục đích của những chuyến công cán liên tiếp là tái khẳng định với châu Âu rằng, các trụ cột trong chính sách đối ngoại của Mỹ vẫn nguyên vẹn.
Song, sau bài phát biểu của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Hội nghị An ninh thường niên Munich lần thứ 53 ở Đức ngày 18-2, cựu Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Đức Ruprecht Polenz nói: “Những gì chúng ta nghe ở đây không phải là trấn an”. “Hoàn toàn không có tầm nhìn về những gì mà chúng ta sẽ làm việc cùng nhau”, ông Polenz lo ngại.
Vị Phó Tổng thống Mỹ đã nói rằng, Washington vẫn kiên định các cam kết trước đó đối với NATO. “Mỹ đang và sẽ luôn là đồng minh lớn nhất của các bạn”, ông Pence nhấn mạnh.
Tuy nhiên, nhiều người có mặt tỏ ra hờ hững, nhất là khi ông Pence kêu gọi các nước chia sẻ chi phí với Mỹ. Ông Pence là thành viên cấp cao nhất trong ê-kíp của Tổng thống Trump đến châu Âu. Ban đầu, phát biểu của ông được háo hức chờ đón tại Munich nhưng sau đó tạo ra sự thất vọng vì “Mỹ không có phản ứng rõ ràng” về quan hệ với Liên minh châu Âu (EU), NATO và cả với Nga...
Theo AFP, những chỉ trích của Tổng thống Trump rằng NATO là “lỗi thời”, việc ông ca ngợi quyết định của Anh rời EU và phát biểu của nhà lãnh đạo Nga trong việc “xích lại” gần Nga đang làm các đồng minh của Washington lo lắng. Song, ông Pence và Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis cùng Ngoại trưởng Rex Tillerson dường như lúng túng, không tạo sự đột phá trong ngoại giao ở châu Âu lần này.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cũng tỏ ra không hài lòng về việc ông Pence không đưa ra thông điệp Washington ủng hộ EU - điều mà nhà tổ chức Hội nghị An ninh Munich đã kêu gọi vị Phó Tổng thống Mỹ trước đó. Về quan hệ với Nga, Ngoại trưởng Tillerson khi đến thành phố Bonn cũng chỉ nói chung chung rằng, Mỹ sẽ hợp tác cùng Mátxcơva chỉ khi nào “có lợi cho người Mỹ”…
Sau chuyến công cán ở Đức, ngày 19-2, ông Pence đến Brussels (Bỉ), gặp gỡ Thủ tướng nước chủ nhà Charles Michel để thảo luận các chủ đề xoay quanh mối quan hệ song phương Mỹ - Bỉ, cũng như giữa Mỹ và các thể chế của EU.
Trong khi đó, Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu Elmar Brok, một đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, Phó Tổng thống Mỹ Pence, Bộ trưởng Quốc phòng Mattis và Ngoại trưởng Tillerson đến châu Âu, bàn về tầm quan trọng của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO - và tất cả đều tốt đẹp. “Nhưng chúng ta không biết những gì sẽ diễn ra vào sáng mai trên Twitter”, ông Brok nói, hàm ý đề cập những tuyên bố gây sốc của Tổng thống Trump trên mạng xã hội (trang mà ông chủ Nhà Trắng đương nhiệm thường dùng là Twitter).
Việc Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn phải từ chức khi mới ngồi “ghế nóng” chưa đầy một tháng cũng gây rối rắc cho chính phủ của ông Trump. Sự việc này đặt ra vấn đề: ông Trump sẽ lắng nghe ai về chính sách đối ngoại.
Có mặt tại Munich, không đưa ra bình luận trực tiếp, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đề cập một thông điệp rõ ràng về sự hợp tác quốc tế, chứ không phải chủ nghĩa biệt lập của chiến lược “Nước Mỹ là trên hết” mà ông Trump đang theo đuổi. Thành ra, các nước châu Âu hiện vẫn hoài nghi những cam kết của người đứng đầu nước Mỹ và đang chờ hành động từ chính phủ Washington.
VĨNH AN