Đà Nẵng cuối tuần
Châu Âu hướng tới châu Á
Châu Âu đang chuyển hướng tới châu Á nhằm thoát khỏi nỗi lo chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tàu châu Âu và Trung Quốc tại cảng Hamburg (Đức): EU đang tìm cách làm sâu sắc hơn mối quan hệ thương mại với châu Á. |
Chủ nghĩa bảo hộ của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đẩy các lãnh đạo EU tới sự lựa chọn thắt chặt mối quan hệ với châu Á để củng cố thương mại toàn cầu và bảo vệ thị trường xuất khẩu. Nhiều quan chức EU có chung nhận định xoay trục sang châu Á, nhất là Trung Quốc, sẽ mang tới cho cựu lục địa nhiều cơ hội.
EU tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với châu Á hơn một thập niên khi thực hiện các hợp đồng với Hàn Quốc, Singapore và Việt Nam nhưng giờ đây EU quyết đẩy mạnh hơn nữa bởi không muốn chủ nghĩa tự do thương mại trở thành “con tin” của Donald Trump. “Tất nhiên, chúng tôi muốn củng cố vị thế của mình với phần còn lại của thế giới bằng sự ổn định và tinh thần hợp tác đa phương. Giờ đây, chúng tôi cần nhiều nỗ lực chính trị hơn nữa để làm động lực nắm bắt cơ hội. Điều này không chống lại Mỹ nhưng các đối tác đang cần nhiều tín hiệu tích cực hơn để toàn thế giới thấy được tất cả không hướng tới chủ nghĩa bảo hộ”, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu phụ trách tăng trưởng và đầu tư Jyrki Katainen nói.
Các nhà đàm phán EU đang thúc đẩy nhằm ký kết một hiệp định tự do thương mại toàn diện với Nhật Bản. Phó Thủ tướng Đức, Sigmar Gabriel nói: “Châu Âu và Đức cần một chính sách mới hướng tới châu Á và Trung Quốc nhằm tránh tình trạng quan hệ thương mại với Mỹ không tiến triển hoặc tiến triển quá chậm”. Người đứng đầu Hiệp hội Công nghiệp Đức là Dieter Kempf nhận định dòng chảy thương mại hôm nay sẽ rất khác so với vài thập niên nữa. Châu Á và Mỹ Latinh là hai thị trường thương mại lớn mà châu Âu sẽ hướng tới trong tương lai gần.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ về toàn cầu hóa và tự do thương mại tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (ở Thụy Sĩ) hồi tháng Giêng vừa qua, nhưng các quan chức EU không thực sự hồ hởi bởi vì quan hệ thương mại giữa EU – Trung Quốc vốn không suôn sẻ. Một số quan chức và nhà ngoại giao châu Âu cho rằng EU không có hứng thú về một thỏa thuận tự do thương mại toàn diện với Trung Quốc bởi chính sách bảo hộ của nước này đã gây ra rất nhiều tranh chấp. Ủy viên Thương mại EU là Cecilia Malmström cho rằng Trung Quốc cần mở nền kinh tế cho doanh nghiệp tư nhân, tạo ra những cơ hội tiếp cận thị trường một cách thuận lợi hơn thì lúc đó quan hệ thương mại EU - Trung Quốc mới thuận lợi hơn để biến những lời phát biểu đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Davos sớm trở thành hiện thực.
ANH THƯ (Theo Financial Times)