Quốc tế
Triều Tiên thử tên lửa, thách thức Mỹ
Khu vực Đông Á một lần nữa “nóng” lên khi CHDCND Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo vào sáng sớm 12-2. Giới quan sát cho rằng, động thái này đang thách thức Tổng thống Mỹ Donald Trump những tuần đầu tiên ở Nhà Trắng.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng tuyên bố CHDCND Triều Tiên sắp phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa. Trong ảnh: Ông Kim Jong-un kiểm tra một công trình xây dựng ở đường Ryomyong. Ảnh: Reuters |
Hãng Reuters cho biết, tên lửa được bắn đi từ Panghyon, tây bắc CHDCND Triều Tiên. Sau khi bay khoảng 500km, tên lửa này rơi xuống biển. Các nguồn tin của quân đội Mỹ và Hàn Quốc xác định đây dường như không phải là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM). Trong khi đó, theo hãng Yonhap của Hàn Quốc, tên lửa được CHDCND Triều Tiên sử dụng là Musudan với tầm bắn khoảng 3.000km.
Một quan chức Nhà Trắng nói rằng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã biết về vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên và Nhà Trắng tiếp tục theo dõi tình hình. Đây là thách thức đầu tiên xung quanh cam kết của ông Trump về việc có quan điểm cứng rắn với CHDCND Triều Tiên. Vụ việc diễn ra sau khi ông Trump có cuộc gặp thượng đỉnh với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Washington và Florida; cả hai nhà lãnh đạo đã thống nhất hợp tác để chống lại mối đe dọa từ phía CHDCND Triều Tiên. Hãng AP cho biết, ông Trump khẳng định Mỹ sẽ sát cánh “100%” với Nhật Bản.
Cũng theo một quan chức Mỹ, sau vụ việc lần này, chính phủ Mỹ sẽ đề nghị Trung Quốc kiềm chế CHDCND Triều Tiên. Là đồng minh chính của Bình Nhưỡng, nhưng Bắc Kinh tỏ ra thất vọng về các vụ thử tên lửa và hạt nhân liên tiếp của quốc gia phía bắc trên bán đảo Triều Tiên. Song, theo một quan chức Mỹ, chính phủ Washington cho rằng, Bắc Kinh vẫn chưa tạo đủ sức ép với đồng minh Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốc phản ứng tức giận. Tại dinh thự Mar-a-Lago của Tổng thống Trump, bang Florida (Mỹ), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh: Vụ phóng tên lửa mới đây nhất của CHDCND Triều Tiên là “hoàn toàn không thể chấp nhận”; đồng thời yêu cầu Bình Nhưỡng tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tại thủ đô Tokyo, trong cuộc họp báo khẩn, Chánh Văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, nước ông đã trao công hàm phản đối CHDCND Triều Tiên. “Chúng tôi hoàn toàn không chấp nhận những hành động khiêu khích tiếp tục của CHDCND Triều Tiên”, ông Suga khẳng định. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Tomomi Inada nói rằng, Tokyo đang thực hiện mọi nỗ lực để thu thập thông tin và giám sát tình hình.
Tại thủ đô Seoul, quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn tuyên bố, nước này đang làm hết sức mình để đáp trả tương xứng vụ phóng tên lửa của người láng giềng, tức sẽ trừng phạt Bình Nhưỡng. Văn phòng Tổng thống đã triệu tập cuộc họp an ninh ngay trong sáng 12-2. Quân đội Hàn Quốc gọi đây là hành động “phô trương sức mạnh” của Bình Nhưỡng trước lập trường cứng rắn của chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Thực tế, năm ngoái, CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa Musudan 8 lần nhưng hầu hết đều thất bại. Trong bài phát biểu mừng năm mới 2017, nhà lãnh đạo Kim Jong-un từng nói rằng, nước ông sắp phóng thử ICBM. Còn truyền thông CHDCND Triều Tiên đưa tin, vụ phóng như vậy có thể diễn ra bất kỳ lúc nào. Song, ông Trump nói: “Điều đó sẽ không xảy ra”. Tổng thống Trump cam kết có cách tiếp cận quyết đoán hơn đối với vấn đề CHDCND Triều Tiên nhưng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cho thấy chính sách của ông sẽ khác biệt so với người tiền nhiệm Barack Obama. Theo Reuters, Tổng thống Trump và các trợ lý có thể đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên nhưng một quan chức cho rằng, bất kỳ phản ứng nào cũng nên tránh làm căng thẳng leo thang.
Chính phủ Bình Nhưỡng khá im lặng xung quanh việc chuyển giao quyền lực ở Mỹ nhưng báo chí nước này nhiều lần kêu gọi Washington ngừng “chính sách thù địch” và cam kết tiếp tục chương trình phát triển tên lửa cũng như hạt nhân cho đến khi cường quốc hàng đầu thế giới thay đổi cách tiếp cận ngoại giao.
Nhà phân tích Kim Dong-yeop tại Viện Nghiên cứu Viễn Đông ở Seoul cũng đoán tên lửa được phóng lần này là Musudan hoặc một tên lửa tương tự, được thiết kế để thử động cơ của ICBM. Song, các ý kiến của các nhà phân tích hiện khác nhau xung quanh việc làm sao Bình Nhưỡng có tên lửa tầm xa có thể mang đầu đạn hạt nhân và vươn đến các mục tiêu ở Mỹ. Một quả ICBM với tầm bắn khoảng 9.000km từ CHDCND Triều Tiên có thể đe dọa Mỹ. ICBM tầm trung có tầm bắn khoảng 5.500km nhưng một số được thiết kế có tầm bắn lên đến 10.000km hoặc hơn thế.
VĨNH AN