Quốc tế
Cuộc chiến xung quanh sắc lệnh cấm nhập cảnh: Chưa có hồi kết
Bất chấp phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang về việc duy trì “đóng băng” sắc lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump, chính phủ Mỹ tuyên bố sẽ kháng cáo. Vụ việc có thể sẽ được giải quyết tại Tòa án tối cao.
Tổng chưởng lý Washington Bob Ferguson phát biểu tại cuộc họp báo ở Seattle sau phán quyết của Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9. Ảnh: AP |
Ngày 9-2 (giờ Mỹ), Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 ở San Francisco ra phán quyết duy trì “đóng băng” lệnh cấm nhập cảnh của Tổng thống Donald Trump. Theo AP, Tòa phúc thẩm cho rằng, phán quyết của tòa cấp thấp hơn ở Seattle về việc tạm ngừng thực thi sắc lệnh cấm nhập cảnh sẽ còn nguyên hiệu lực; chính phủ của Tổng thống Trump trong phiên điều trần trước đó không đưa ra được bằng chứng chứng minh sắc lệnh cần thiết đối với an ninh quốc gia cũng như việc người đến từ 7 quốc gia thuộc diện cấm nhập cảnh tiến hành các vụ tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ. Đồng thời, Tòa phúc thẩm cũng bác tranh luận của luật sư đại diện chính phủ rằng, tòa cấp thấp không có quyền phán quyết sắc lệnh hành pháp của Tổng thống.
Thực tế, Bộ Tư pháp Mỹ đã yêu cầu Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 9 khôi phục sắc lệnh nói trên. Song, thay vì đứng về phía chính phủ, 3 thẩm phán gồm Michelle Friedland, William Canby và Richard Clifton đã ủng hộ phán quyết của Thẩm phán liên bang của thành phố Seattle James Robart. Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, đối thủ của ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua gọi ngắn gọn đây là “3-0”.
Phán quyết “3-0” của Tòa phúc thẩm được đưa ra sau phiên điều trần nhằm xem xét khả năng khôi phục sắc lệnh gây nhiều tranh cãi của Tổng thống Trump. Kết luận càng đẩy cuộc chiến giữa chính phủ (hành pháp) với tòa án (tư pháp) thêm căng thẳng, nhất là khi ông chủ Nhà Trắng phản ứng tức giận, tuyên bố sẽ kháng cáo. Trên trang Twitter, ông Trump viết: “Hẹn gặp ở tòa. An ninh của chúng ta đang bị đe dọa”. Chính phủ Mỹ có 14 ngày để đề nghị Tòa phúc thẩm khu vực số 9 xem xét lại phán quyết và nhiều khả năng đệ đơn lên Tòa án tối cao - cơ quan có quyền quyết định cuối cùng về sắc lệnh của ông Trump.
Sắc lệnh của Tổng thống Trump ngừng cho người tị nạn vào Mỹ trong vòng 120 ngày; cấm người tị nạn từ Syria vào Mỹ vô thời hạn; cấm công dân từ Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria, Yemen nhập cảnh Mỹ trong vòng 90 ngày. Đảng Cộng hòa cho rằng, sắc lệnh nhằm ngăn chặn các phần tử thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và Al-Qaeda nhập cảnh vào Mỹ. Song, những người chống đối chỉ trích lệnh cấm nhằm vào người Hồi giáo là vi hiến và mang tính phân biệt đối xử.
Hãng AP cho rằng, Bộ Tư pháp Mỹ sẽ đối mặt với khả năng theo đuổi vụ kiện lâu dài và cuộc chiến giữa cơ quan hành pháp - tư pháp không dễ kết thúc. Chưa rõ khi chính thức đứng đầu Bộ Tư pháp từ ngày 9-2, ông Jeff Sessions sẽ có những động thái nào để bảo vệ sắc lệnh hành pháp của Tổng thống.
Ông Ben Feuer, Chủ tịch nhóm luật phúc thẩm California ở San Francisco nhận định: Chưa thể gọi phán quyết ngày 9-2 là thất bại của ông Trump. Khi vụ việc được đưa lên Tòa án tối cao, Thẩm phán Anthony Kennedy sẽ thụ lý hồ sơ. Theo đó, ông Kennedy có thể tự mình xét xử vụ kiện hoặc đưa vụ việc ra toàn thể 8 thẩm phán. Điều đáng nói là 8 vị thẩm phán này chia 2 phe bảo thủ và tự do, họ có thể ra phán quyết mà không cần nghe tranh luận trực tiếp nào. Hơn nữa, Thẩm phán Neil Gorsuch, người được ông Trump đề cử làm Thẩm phán Tối cao, có thể không tham gia vụ kiện bởi chưa được Quốc hội phê chuẩn. Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng bị cho là đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức khi đẩy vụ việc đi quá nhanh.
Qua điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã đề nghị ông chủ Nhà Trắng hủy bỏ sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân quốc gia Trung Đông này. Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Abadi nêu rõ: “Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét lại quyết định về quyền của người Iraq được nhập cảnh vào Mỹ”. Iraq là một trong 7 quốc gia Hồi giáo thuộc diện cấm nhập cảnh vào Mỹ, theo sắc lệnh hành pháp của ông Trump. |
PHÚC NGUYÊN