Quốc tế
Truyền thông Mỹ loay hoay dưới thời ông Trump
Trong lúc báo chí Mỹ tìm cách thích ứng với tân Tổng thống Donald Trump và chính phủ mới, một vài thông báo “mang tính định hướng tác nghiệp” trong nội bộ các cơ quan thông tấn đã xuất hiện, phần nào cho thấy sự lúng túng của truyền thông nước này.
Tại cuộc họp báo ngày 16-2 ở Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump chỉ trích truyền thông thiếu trung thực và cam kết tìm ra kẻ làm rò rỉ thông tin khiến Cố vấn an ninh Michael Flynn từ chức. Ảnh: AFP |
Nhìn đại thể, những bản thông báo nội bộ tại các cơ quan thông tấn báo chí Mỹ cho thấy một vấn đề đang diễn ra tại các phòng tin tức: làm thế nào để đưa tin về tình hình thời sự, chính trị dưới thời một tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng, truyền thông là “một đảng đối lập”.
Tuần trước, Tổng Biên tập hãng tin Reuters, ông Steve Adler, gửi tới toàn bộ nhân viên bức thư mang tính “cẩm nang tác nghiệp”. Trong đó, ông Adler mở đầu bằng nội dung: “12 ngày đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Trump quả là đáng nhớ với tất cả chúng ta và cũng là khoảng thời gian đặc biệt nhiều thách thức với chúng ta trong ngành kinh doanh tin tức”. Không phải ngẫu nhiên mà vị Tổng Biên tập chia sẻ một nội dung như vậy. Ông thừa nhận: Thực sự bất thường khi Tổng thống Mỹ gọi các nhà báo là “những người thiếu trung thực nhất quả đất”.
Ông Adler nhắc lại việc các phóng viên của Reuters đã hoạt động tại “hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước mà truyền thông không hề được chào đón và thường xuyên bị tấn công”, như cách để động viên những nhân viên đang tác nghiệp tại Mỹ rằng, họ từng trải qua nhiều thách thức. Vì vậy, thách thức khi làm việc dưới thời chính phủ mới của ông Trump cũng cần được giải quyết tốt đẹp.
Từ đó, ông Adler chia sẻ một góc nhìn rất khó lường về diễn biến sắp tới mà đội ngũ nhân viên của ông phải đối mặt: “Chúng ta không biết theo thời gian các cuộc tấn công của chính phủ Tổng thống Trump sẽ gay gắt thế nào và cũng không biết quy mô những cuộc tấn công đó sẽ mở rộng phạm vi đến đâu khi những hạn chế pháp lý đồng hành áp lên quá trình thu thập tin tức của chúng ta. Nhưng chúng ta hiểu rằng, chúng ta vẫn phải tuân thủ những nguyên tắc không thay đổi và bao quát công việc chúng ta ở mọi nơi”.
Không chỉ với Reuters, Tổng Biên tập của một trong những nhật báo hàng đầu của Mỹ là tờ Wall Street Journal, ông Gerard Baker, tuần trước cũng đã gửi email đến các biên tập viên của báo để yêu cầu họ dừng sử dụng cách nói về 7 quốc gia Hồi giáo mà ông Trump đề cập trong danh sách bị hạn chế nhập cảnh tạm thời. Email “nhắc nhở nội bộ” của ông Baker được tờ Politico đăng tải cho biết quan điểm của ông: “Chúng ta có thể dừng việc nói là 7 quốc gia phần đông theo Hồi giáo không? Nó quá nặng nề. Lý do các nước đó bị “chọn” không phải vì họ là những nước phần đông người dân theo Hồi giáo mà vì họ thuộc danh sách các nước mà chính phủ cựu Tổng thống Barack Obama từng xác định là những nước đáng quan ngại. Sẽ bớt nặng nề hơn khi nói rằng, đó là 7 quốc gia mà Mỹ đã liệt vào danh sách những nước có nguy cơ nghiêm trọng hoặc nguy cơ cao của chủ nghĩa khủng bố”.
Nhiều cơ quan thông tấn nói rõ 7 nước bị ông Trump áp lệnh cấm nhập cảnh tạm thời là những quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ vẫn khẳng định, đó không phải là một lệnh cấm với người Hồi giáo.
Trong chương trình Reliable Sources phát trên đài CNN ngày 4-2 vừa qua, Tổng Biên tập Reuters Steve Adler tiếp tục có thêm cuộc tọa đàm với biên tập viên Lydia Polgreen của báo Huffington Post, trong đó thảo luận về những thách thức với báo chí trong việc đưa tin dưới thời ông Trump. Nhà báo Polgreen nói: “Đây không phải là một tổng thống bình thường. Đây không phải là một thời đại bình thường của báo chí nữa. Tôi nghĩ, chúng ta sẽ phải đối mặt với áp lực và sự tấn công chưa từng có
tiền lệ”.
Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định ông và đội ngũ cố vấn chiến dịch tranh cử không liên hệ với các quan chức Nga trong cuộc đua vào Nhà Trắng hồi năm ngoái. Điều này mâu thuẫn với các thông tin trước đó cho rằng, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn đã thảo luận về các biện pháp trừng phạt với Đại sứ Nga trước khi ông Trump nhậm chức. Phát biểu của Tổng thống Trump được đưa ra vào ngày 16-2 (giờ Washington) tại cuộc họp báo riêng lần đầu tiên kể từ khi ông tiếp quản Nhà Trắng. Theo đó, ông Trump cáo buộc giới truyền thông thiếu trung thực khi cố tình muốn khuấy động một cuộc khủng hoảng. Từ ngày 20-1 đến nay, ông Trump đối mặt với nhiều rắc rối: một cố vấn an ninh từ chức, một ứng viên trong nội các không được Quốc hội thông qua và sắc lệnh cấm nhập cảnh bị tòa án ngăn chặn. Hãng AFP cho biết, tại cuộc họp báo, Tổng thống Trump lên tiếng bảo vệ ông Michael Flynn, Cố vấn an ninh quốc gia vừa từ chức. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, vị quan chức an ninh này đã không làm gì sai trong các cuộc điện thoại với Đại sứ Nga. Thay vào đó, ông Trump cáo buộc các cơ quan tình báo Mỹ đã làm rò rỉ thông tin về các cuộc gọi này; chỉ trích báo chí “không kiểm soát được sự trung thực” và cam kết sẽ tìm ra kẻ làm rò rỉ thông tin dẫn đến Cố vấn an ninh của ông phải từ chức. THIÊN BÌNH |
TRẦN ĐẮC LUÂN