Quốc tế

G20 muốn Mỹ không thay đổi chính sách ngoại giao

08:05, 17/02/2017 (GMT+7)

Hội nghị Ngoại trưởng nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) kỳ vọng Mỹ sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao như tuyên bố lúc tranh cử của ông Donald Trump.

Với việc hiện diện tại Đức, Ngoại trưởng Rex Tillerson có thể giúp thế giới hiểu về chính sách “Nước Mỹ là trên hết”.				                  Ảnh: AFP/Getty Images
Với việc hiện diện tại Đức, Ngoại trưởng Rex Tillerson có thể giúp thế giới hiểu về chính sách “Nước Mỹ là trên hết”. Ảnh: AFP/Getty Images

Lần đầu xuất hiện tại Hội nghị Ngoại trưởng G20, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson được những người đồng cấp kỳ vọng qua sự tham dự của ông và những thông điệp ông mang đến Đức, nhóm này sẽ tìm ra chính sách “nước Mỹ là trên hết” có nghĩa gì đối với phần còn lại của thế giới.

Hãng AFP cho biết, mọi ánh mắt hướng về nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, cũng là cựu Chủ tịch Tập đoàn ExxonMobil. Trong chuyến công cán đầu tiên đến châu Âu, ông Tillerson trực tiếp đối mặt với các đồng minh, những nước đang tìm kiếm việc bảo đảm rằng, Tổng thống Donald Trump sẽ không thay đổi chính sách ngoại giao như vị tỷ phú này từng tuyên bố lúc tranh cử. Việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ với chủ trương phản đối quá trình toàn cầu hóa và xem xét lại các hiệp định tự do đa phương khiến nhiều quốc gia trên thế giới lo ngại, trong đó có các thành viên G20, nhóm vốn chiếm 2/3 dân số thế giới, 85% GDP toàn cầu và 80% thương mại quốc tế. Mối lo ngại càng gia tăng khi ông Trump rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay lúc vừa tiếp quản Nhà Trắng.

Cũng theo AFP, ông Tillerson sẽ có cuộc trao đổi đầu tiên với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại Bonn. Cuộc gặp gỡ này sẽ thu hút sự chú ý trong lúc có những đồn đoán và tranh cãi về mối quan hệ giữa Nhà Trắng với Điện Kremlin thời Tổng thống Trump.

Mối quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc cũng là tâm điểm. Tại G20, ông Tillerson có thể gặp gỡ Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận cuộc gặp đã được lên kế hoạch và trước đó, hai nhà lãnh đạo Donald Trump, Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm “rất tốt”.

Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ cũng sẽ có các cuộc gặp riêng rẽ với Ngoại trưởng Anh và Thổ Nhĩ Kỳ. Tại G20, ông Tillerson có thể nhấn mạnh cam kết của Tổng thống Trump với Liên minh châu Âu (EU) sau khi ông ca ngợi quyết định của Anh trong việc rời khỏi khối này; thậm chí, tân Ngoại trưởng Mỹ còn dự đoán các nước khác sẽ theo “hiệu ứng Brexit”.

Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn báo The Guardian của Anh, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nói rằng, một “châu Âu thống nhất” đóng vai trò rất quan trọng trong thời điểm có nhiều biến động toàn cầu. Ông Guterres thúc giục EU “học bài học Brexit”. Ước tính Brexit sẽ làm nền kinh tế Anh thiệt hại khoảng 81 tỷ USD/năm.

Hội nghị Ngoại trưởng G20 do Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel chủ trì với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, trong đó ưu tiên 3 trọng tâm: tạo dựng nền tảng tự cường, tăng cường tính bền vững và tăng cường tính trách nhiệm. Trước thềm hội nghị, ông Gabriel khẳng định: “Không quốc gia nào trên thế giới có thể một mình đối phó với các vấn đề lớn của quốc tế”. Mục tiêu hàng đầu của Hội nghị G20 năm nay tại Đức là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô toàn cầu; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đi đôi với bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực, an ninh năng lượng, chống biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết cắt giảm khí thải, chống dịch bệnh… Ngoài ra, việc thừa nhận và ngăn chặn những khủng hoảng trong tương lai, cũng như ủng hộ châu Phi cũng được đặt lên bàn nghị sự.  

Hội nghị Ngoại trưởng lần này được xem là “tiền trạm” cho Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 7 tới tại thành phố Hamburg của Đức, với cuộc gặp gỡ đáng chú ý của Tổng thống Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.

PHÚC NGUYÊN

.