Quốc tế

Tổng thống Mỹ gặp gỡ Thủ tướng Đức Nhiều quan điểm khác biệt

08:06, 20/03/2017 (GMT+7)

Cuộc gặp gỡ tại Nhà Trắng ngày 17-3 (giờ Washington) là lần tiếp xúc trực tiếp đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Song, hai nhà lãnh đạo vẫn giữ quan điểm khác biệt trong nhiều vấn đề như: thương mại, Nga, nhập cư…
 

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng. 			                 						            Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters

Một quan hệ gắn bó chặt chẽ với Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Đức. Vì vậy, không ngạc nhiên khi trong cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Angela Merkel, giới báo chí cũng như chuyên gia chính trị của Đức để ý cả ngôn ngữ cơ thể cũng như giọng điệu phát biểu của các chính khách để có thể đoán định về cách thức họ sẽ hợp tác với nhau.

Tờ báo theo đường lối thiên tả Süddeutsche Zeitung (Đức) nhận định trên phiên bản trực tuyến ngày 18-3: “Không nồng ấm nhưng cũng không xa cách”. Tuy nhiên, phản ứng đầu tiên được công bố từ ông Steffen Seibert, người phát ngôn của Thủ tướng Merkel, nhấn mạnh tới những điểm tích cực của cuộc gặp. Theo đó, ông Seibert hoan nghênh sự ủng hộ của ông Trump với các nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine và việc ông chủ Nhà Trắng khẳng định tầm quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Ông Seibert cũng tái khẳng định cam kết của Đức sẽ đóng góp 2% tổng sản phẩm nội địa (GDP) vào ngân sách chung của NATO năm 2024 mà Đức từng đưa ra tại cuộc họp thượng đỉnh của NATO vào mùa hè năm ngoái. Song, cam kết đó dường như vẫn chưa đủ với ông Trump. Sáng sớm 18-3, ông Trump vẫn viết trên Twitter rằng, Đức còn nợ NATO “những khoản tiền kếch xù”. Ông Trump viết: “Bất kể mọi người đã nghe được những gì từ “tin tức giả”, tôi đã có một cuộc gặp tuyệt vời với Thủ tướng Đức Angela Merkel. Tuy nhiên, Đức còn nợ những khoản tiền lớn với NATO và nước Mỹ phải trả nhiều tiền hơn cho việc phòng thủ mạnh mẽ, đắt đỏ của NATO đối với Đức!”.

Theo số liệu do NATO cung cấp, Đức đã đóng góp 1,2% GDP năm 2016 cho NATO. Trong khi đó, Mỹ đóng góp 3,6% GDP. Song, nhiều chuyên gia an ninh từng chỉ ra rằng, rất nhiều đóng góp khác của các nước với NATO không ở dạng tiền bạc đã được gửi tới cho Washington.

Mặc dù với nhiều người dân Đức, họ vẫn giữ nguyên những ký ức gần như tươi mới về quan hệ nồng ấm giữa bà Merkel và cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng để đạt được cấp độ quan hệ đó, bà Merkel đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ và làm việc cùng ông Obama suốt nhiều năm. Song, mối quan hệ giữa hai nhà lãnh đạo này cũng từng xảy ra những thời điểm “cơm không lành, canh không ngọt”; ví như lần bà Merkel không cho phép ông Obama phát biểu trước khu vực Cổng Brandenburg của Đức trong chiến dịch tranh cử năm 2008 của ông.

Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo tiền nhiệm của Tổng thống Trump là ông George W.Bush và ông Barack Obama đều là những người tuân thủ các nghi thức ngoại giao. Hai ông đã cùng hợp tác với Đức trong các tổ chức được hình thành từ sau Thế chiến thứ hai để tăng cường liên lạc và hợp tác giữa các nước.

Trong khi đó, quan điểm “Nước Mỹ là trên hết” và cả cách thức bài xích các hiệp định thương mại toàn cầu của ông Trump khiến giới chính trị gia cũng như các lãnh đạo doanh nghiệp của Đức hoang mang, lo ngại. Khi một nhà báo Đức đề cập đến vấn đề này, Tổng thống Trump khẳng định, mặc dù ông không phản đối thương mại nhưng theo ông, nước Mỹ đã bị đối xử bất công trong các hiệp định thương mại toàn cầu…

Dẫu thế thì gần 24 tiếng đồng hồ sau cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức, chính phủ của ông Trump vẫn không chịu nêu quan điểm ủng hộ cam kết hoàn toàn chống lại chủ nghĩa bảo hộ tại một cuộc họp ở thành phố Baden-Baden (Đức) của các bộ trưởng tài chính thuộc nhóm G20. Năm ngoái, cũng tại sự kiện này, các thành viên tham gia đã nhất trí chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ.
Có thể thấy, người Đức vừa thích thú, vừa lo ngại trước thái độ của ông Trump trong việc phớt lờ mọi chỉ trích về phong thái hành xử ngoại giao với các lãnh đạo thế giới. Chính ông Trump từng chỉ trích gay gắt việc Thủ tướng Merkel mở cửa tiếp nhận người tị nạn tràn vào Đức. Ông cũng là người đặt câu hỏi nghi ngờ về các tổ chức quan hệ liên minh giai đoạn hậu Thế chiến thứ hai như NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Ông Nikolaus Blome, Phó Tổng biên tập báo Bild bình luận: “Một điều chúng ta có thể tin vào từ những gì quan sát được ngày 17-3 là ông Donald Trump đã nói ra những gì ông ấy muốn. Ông ấy có những quan tâm chính trị có thể đoán biết. Nhưng điều mà ông ấy không có là một phương thức có thể đoán biết để đeo đuổi những điều đó”.

TRẦN ĐẮC LUÂN

.