Quốc tế
Tổng thống Park Geun-hye bị phế truất: Hàn Quốc trượt dài trong khủng hoảng chính trị
Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc đã ra phán quyết phế truất Tổng thống Park Geun-hye, khiến quốc gia này trượt trong khủng hoảng chính trị và chia rẽ.
Trong cuộc tuần hành ngày 10-3, những người ủng hộ bà Park Geun-hye chặn các xe buýt của cảnh sát khi đoàn xe này tiến về phía Tòa án Hiến pháp. Ảnh: AP |
Ngày 10-3, Tòa án Hiến pháp ra phán quyết lịch sử, ủng hộ việc Quốc hội luận tội Tổng thống Park Geun-hye, khiến bà Park là nhà lãnh đạo được bầu dân chủ đầu tiên chính thức bị phế truất trước khi nhiệm kỳ kết thúc. Các cuộc biểu tình chống lại phán quyết này theo đó cũng diễn ra làm 2 người chết và 30 người khác bị thương. Một số người ủng hộ bà Park tức giận, la hét và tấn công các nhân viên cảnh sát. Trong khi đó, những người biểu tình chống lại bà vui mừng tuần hành trên đường phố gần Nhà Xanh.
Mất quyền miễn trừ truy tố
Hãng AP cho biết, sau phán quyết của hội đồng gồm 8 thành viên của tòa, bà Park không còn quyền miễn trừ truy tố của tổng thống nên có thể đối mặt với các cáo buộc hình sự xung quanh tội nhận hối lộ, tống tiền và lạm dụng quyền lực. Theo đó, các công tố viên có thể triệu tập, thẩm vấn và thậm chí bắt giữ bà. Trong những tháng qua, cựu Tổng thống Park đã liên tục từ chối trả lời thẩm vấn của các công tố viên nhưng giờ đây bà khó có thể khước từ hợp tác.
Quyền Chánh án Tòa án Hiến pháp Lee Jung-mi nói: Việc bà Park vi phạm Hiến pháp và pháp luật là phản bội lại niềm tin của công chúng. Hành vi này “gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần của nền dân chủ và nguyên tắc luật pháp”. Bà Lee Jung-mi cáo buộc bà Park thông đồng với người bạn Choi Soon-sil, một người dân thường và không có vai vế gì ở Hàn Quốc, tống tiền các doanh nghiệp hàng chục triệu USD; đồng thời để bà Choi can dự vào công việc của đất nước cũng như tiếp cận những bí mật quốc gia.
Các thăm dò trước phán quyết cho thấy, khoảng 70-80% người dân Hàn Quốc muốn tòa thông qua việc luận tội bà Park. Song, vẫn có những quan ngại rằng, việc phế truất nữ Tổng thống 65 tuổi sẽ làm chia rẽ đất nước và gây xung đột giữa những người ủng hộ với những người chống đối bà. Theo AFP, cũng có những ý kiến cho rằng, phán quyết của tòa đánh dấu kết thúc khủng hoảng chính trị kéo dài trong nhiều tháng ở Hàn Quốc. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhận định: Khi sự chia rẽ chưa được giải quyết thì khủng hoảng vẫn tiếp diễn.
Ai sẽ thay thế bà Park?
Theo luật, Hàn Quốc phải tổ chức bầu cử tổng thống trong vòng 60 ngày, nghĩa là bầu cử sẽ có thể diễn ra vào ngày 9-5 tới. Song, trong lúc không có một ủy ban chuyển tiếp, người giành thắng lợi trong cuộc bầu cử sẽ phải dựa vào các trợ lý và nội các của bà Park để tiếp quản công việc ít nhất trong một vài tuần đầu tiên trước khi thành lập chính phủ mới.
Một số nhà chính trị cho rằng, tổng thống mới sẽ được xác định trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, đảng đối lập lớn nhất của Hàn Quốc. Ông Moon Jae-in, nghị sĩ kỳ cựu của đảng Dân chủ, từng thất bại trước bà Park trong cuộc tranh cử năm 2012 nhưng hiện là ứng viên tổng thống đầy tiềm năng. Một ứng cử viên khác có thể là An Hee-jung, thống đốc tỉnh Nam Chungcheong.
Thăm dò của Viện Gallup Hàn Quốc thực hiện cho thấy, tỷ lệ ủng hộ ông Moon là 32%, ông An Hee-jung là 17%. Quyền Tổng thống kiêm Thủ tướng Hwang Kyo-ahn có 14% tỷ lệ ủng hộ. Những người thuộc phe bảo thủ đang kỳ vọng ông Hwang Kyo-ahn sẽ giành chiến thắng. Nếu ông Hwang làm tổng thống, chức thủ tướng sẽ tạm giao lại cho người cấp phó của ông là Yoo Il-ho.
Phát biểu trên truyền hình, ông Hwang cam kết điều hành các công việc nhà nước với quyết tâm cao độ và kêu gọi đoàn kết, đồng thời bày tỏ mong muốn tất cả các bên liên quan tôn trọng phán quyết của tòa. “Nếu không đoàn kết, chúng ta không thể ổn định các công việc của đất nước và tiến hành bầu cử tổng thống công bằng”, ông Hwang nói.
Ngay trong ngày 10-3, Ủy ban Bầu cử Quốc gia (NEC) cũng đã bắt đầu nhận đơn đăng ký của các ứng cử viên. Bộ Nội vụ cho biết sẽ nhanh chóng quyết định ngày bầu cử và cam kết về một cuộc bỏ phiếu công bằng.
Hãng AP cho biết, bà Park Geun-hye đắc cử Tổng thống Hàn Quốc năm 2012 với số phiếu cao nhất trong số tất cả ứng viên tổng thống được bầu dân chủ. Một số cựu Tổng thống Hàn Quốc từng vướng scandal tham nhũng, trong đó có hai cựu Tổng thống Chun Doo-Hwan và Roh Tae-Woo nhận án tù vào những năm 1990. Cựu Tổng thống Roh Moo-hyun, từng được bầu dân chủ, đã tự sát vào năm 2009 trong một cuộc điều tra tham nhũng liên quan đến ông và gia đình. |
PHÚC NGUYÊN