Cuộc đua giữa hai ứng cử viên tham gia vòng 2 cuộc bầu cử tổng thống Pháp thực chất là cuộc đối đầu về quan điểm: một bên ủng hộ việc toàn cầu hóa, thân Liên minh châu Âu (EU); một bên là chủ nghĩa dân túy, hoài nghi EU.
Hai ứng viên Emmanuel Macron và Marine Le Pen có quan điểm trái ngược nhau về vấn đề châu Âu, nhập cư... Ảnh: AFP |
Hãng AFP cho biết, ngày 3-5 (giờ Pháp), ông Emmanuel Macron và bà Marine Le Pen bước vào cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, với tỷ lệ ủng hộ đang nghiêng về phía ứng cử viên độc lập theo tư tưởng trung dung 39 tuổi. Theo thăm dò dư luận, sự ủng hộ dành cho ông Macron là 59%, so với 41% dành cho đại diện đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) 48 tuổi Le Pen. Điều này cho thấy khoảng cách đang thu hẹp giữa hai ứng viên và cuộc tranh luận này được cho là sẽ có tác động lớn đến quyết định của cử tri, nhất là với những người chưa biết sẽ bỏ phiếu cho ai.
Cũng theo AFP, cuộc tranh luận sẽ đầy kịch tính bởi cả hai ứng viên có quan điểm hoàn toàn trái ngược nhau về châu Âu, nhập cư, kinh tế, hay vấn đề toàn cầu hóa… Trước đó, phát biểu với hàng ngàn người ủng hộ tại một cuộc tuần hành ở thành phố Nice, bà Le Pen nói: “Đất nước mà ông Macron muốn không còn là nước Pháp nữa, mà đó là một không gian, một vùng đất hoang, một phòng kinh doanh nơi chỉ có người tiêu dùng và người sản xuất”. Trong khi đó, ông Macron đưa ra thông điệp: “Tôi sẽ là tiếng nói hy vọng của đất nước chúng ta và châu Âu”.
Chưa từng tham gia cuộc bầu cử nào trước đó, ông Macron với phong trào “En Marche” (Tiến bước) được thành lập cách đây 12 tháng hiện được kỳ vọng sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Pháp, dù ông thiếu kinh nghiệm chính trường. Tổng thống Francois Hollande từng lựa chọn Macron làm cố vấn kinh tế và sau đó chọn ông làm Bộ trưởng Kinh tế. Tuy nhiên, Macron từ chức Bộ trưởng Kinh tế hồi năm ngoái bởi nhận thấy hệ thống chính trị, hành pháp của nước Pháp cứng nhắc và mong muốn tạo ra sự thay đổi.
Không giống ông Macron, bà Le Pen theo đuổi đường lối chính trị cứng rắn và được xem là “Donald Trump của Pháp”. Cha của bà, ông Jean-Marie Le Pen, tham gia tranh cử tổng thống vòng 2 năm 2002 nhưng bị ứng viên trung hữu Jacques Chirac đánh bại. 15 năm sau, bà Le Pen đang mong muốn ghi tên mình vào lịch sử, trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Pháp. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát, việc theo đuổi chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, có tư tưởng bài ngoại, chống nhập cư..., thậm chí muốn đưa Pháp rời EU và rời khỏi khối các nước sử dụng đồng tiền chung châu Âu, thay thế EU bằng một “liên minh các quốc gia châu Âu tự do và có chủ quyền”, có thể là điều bất lợi cho bà Le Pen. Nhà phân tích chính trị Philippe Braud nói với AFP rằng, vấn đề tiền tệ đang gây quan ngại nhất, đặc biệt là đối với giới doanh nhân.
Ở vòng 1, ông Macron dẫn đầu với 24,01% số phiếu, bà Le Pen về nhì với 21,3%. Kết quả này cùng với những khảo sát trước ngày bỏ phiếu vòng 2 (ngày 7-5) vẫn chưa dẫn đến sự dự đoán chắc chắn nào về người thắng cử. Phong trào cực tả “Nước Pháp bất khuất” Jean Luc Mélenchon, người thất bại trong vòng 1 bầu cử, từng tuyên bố quay sang ủng hộ ông Macron nhưng giờ đây sự ủng hộ này cũng không rõ ràng. Theo thăm dò, 35% số cử tri của phong trào này khẳng định sẽ bầu cho ông Macron, số còn lại không có ý định tham gia bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng. Trong khi đó, phe cực tả cũng không ủng hộ chủ trương hoài nghi EU và chống nhập cư của bà Le Pen. Song, người dân Pháp vẫn kỳ vọng vào một làn gió mới cho một đất nước đang bị chia rẽ sâu sắc sau khi tầng lớp chính trị truyền thống bị loại khỏi cuộc đua này.
PHÚC NGUYÊN