Đông Nam Á không còn là "thiên đường thuốc lá"?

.

Chính phủ các nước Đông Nam Á nhận ra chi phí y tế từ việc hút thuốc lá là quá lớn nên quyết định siết chặt quy định “thiên đường” này.

Khu vực hút thuốc lá riêng biệt ở Singapore.
Khu vực hút thuốc lá riêng biệt ở Singapore.

Khu vực Đông Nam Á vốn rất lỏng lẻo chuyện quản lý hút thuốc lá, ngay cả khi nhiều nước có quy định hẳn hoi nhưng giờ đây họ đã nhận ra hậu quả của việc hút thuốc không chỉ làm chi phí y tế tăng cao mà cả sức khỏe cộng đồng và tiêu hao ngân sách Nhà nước.

Chính phủ Singapore bắt đầu thực hiện quá trình nâng độ tuổi được quyền hút thuốc lá từ 18 lên 21. Quốc hội sẽ phải tranh luận nên hay không nên nâng tuổi hút thuốc hợp pháp trong quãng thời gian một năm và sẽ áp dụng sau đó vài năm khi mà Singapore đặt mục tiêu sẽ trở thành quốc gia không khói thuốc lá. Các quảng cáo thuốc lá là bất hợp pháp và từ tháng 8 tới sẽ cấm hoàn toàn việc trưng bày các sản phẩm này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte dự kiến sẽ ký một quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng (đường phố, nhà hàng hay phương tiện giao thông công cộng…) và có hiệu lực trên toàn Philippines. Người muốn hút thuốc phải vào những phòng được thiết kế riêng biệt. Những ai vi phạm sẽ phải đối diện với án phạt.

Luật mới về thuốc lá của Thái Lan sẽ có hiệu lực từ tháng 7 tới. Theo đó, tuổi hút thuốc hợp pháp sẽ tăng từ 18 lên 20. Malaysia đã cấm hút thuốc lá từ tháng 2 vừa qua ở những nơi công cộng như công viên hay những nơi có nhiều trẻ em. Chính phủ cũng xem xét việc nâng tuổi được hút thuốc hợp pháp từ 18 lên 21 như Singapore.

Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới thì 76% nam giới Indonesia từ 15 tuổi trở lên đã hút thuốc; với Malaysia và Philippines là 43%. Động lực lớn nhất để chính phủ các nước Đông Nam Á hạn chế thuốc lá là chi phí y tế để điều trị các căn bệnh từ thuốc lá như tim mạch chẳng hạn là quá cao. Số người tử vong vì tim mạch ở Indonesia đã tăng gấp 3 lần từ năm 2000 tới năm 2015, ở Philippines là tăng gần gấp đôi cũng trong quãng thời gian này.

Tuy nhiên, nỗ lực này gặp một số trở ngại. Tổng thống Duterte đã phải trì hoãn ký lệnh cấm vì lo ngại sự tác động tiêu cực lớn trên toàn quốc. Malaysia ngay sau khi đánh thuế mạnh vào thuốc lá thì công ty thuốc lá lớn nhất quốc gia này là British American Tobacco Malaysia tăng giá 20% vào năm 2015 khiến lượng tiêu thụ giảm mạnh tới mức công ty phải dừng nhà máy ở đây trong năm nay, làm 230 công nhân lao đao. Indonesia là căng nhất khi vẫn cho các công ty thuốc lá quảng cáo trên truyền hình và tài trợ các sự kiện thể thao. Ngành công nghiệp thuốc lá thực sự tác động tới kinh tế chính trị ở Indonesia khi quốc gia 250 triệu dân này thì ngành đã tạo việc làm cho 10 triệu người. Nói như thế để thấy nỗ lực hạn chế tối đa hút thuốc lá của các chính phủ ở Đông Nam Á là rất tuyệt vời vì sức khỏe cộng đồng lâu dài.

ANH THƯ (Theo Nikkei)

;
.
.
.
.
.